Kiện Mỹ ra tòa của WTO: Trung Quốc thắng, xử phạt 3,6 tỷ USD các sản phẩm của Mỹ
(Dân trí) - Vụ kiện xảy ra tạo thêm căng thẳng trong bối cảnh những cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang diễn ra.
Tổ chức Thương mại Thế giới hôm thứ Sáu đã cho phép Trung Quốc đánh thuế trị giá 3,6 tỷ USD đối với hàng hóa của Mỹ trong một cuộc tranh chấp chống bán phá giá mà Bắc Kinh kiện Washington vào năm 2013.
Trong tòa án của WTO, Trung Quốc đã kiện về cách chính phủ Mỹ tính toán giá trị thiệt hại do các quốc gia khác (như Trung Quốc) bị cáo buộc là bán phá giá sản phẩm tại thị trường Mỹ. Bán phá giá xảy ra khi các nhà sản xuất thực hiện xuất khẩu một sản phẩm sang một quốc gia khác với giá thấp hơn giá tại quốc gia đó.
Trung Quốc lập luận rằng phương pháp tính toán của Chính phủ Mỹ không có căn cứ trong việc xác định thiệt hại do hoạt động bán phá giá, tuy nhiên quốc gia này vẫn áp thuế 7 tỷ USD hàng năm với hàng hóa Trung Quốc.
Một hội đồng giải quyết tranh chấp của WTO đã xác định rằng các phương pháp tính toán không thống nhất được Mỹ sử dụng trong các thủ tục chống bán phá giá đã dẫn đến thiệt hại 3,58 tỷ USD hàng năm cho Trung Quốc, theo một báo cáo được công bố bởi cơ quan thương mại
Phán quyết này giúp bật đèn xanh cho Bắc Kinh trong việc đánh thuế đối với các sản phẩm của Mỹ, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại song phương vẫn đang ở trong tình trạng căng thẳng.
Các nhà đàm phán thương mại từ cả hai bên đang đàm phán để chấm dứt cuộc chiến thương mại bắt đầu vào tháng 7 năm 2018, và điều này đã dẫn đến việc áp thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc trị giá khoảng 360 tỷ USD và thuế quan của Trung Quốc đối với khoảng 150 tỷ USD sản phẩm của Mỹ
Phán quyết này cũng được đưa ra khi Mỹ ngày càng mâu thuẫn với hệ thống giải quyết các tranh chấp của WTO. Mỹ từ lâu đã thể hiện sự bất đồng với chính sách và các quan điểm ưu đãi thương mại của WTO với nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc.
Chính quyền Trump sẽ có thể trích dẫn phán quyết của WTO vừa xong như một ví dụ về “một hệ thống giải quyết tranh chấp có nhiều thiếu sót và cần được sửa đổi”
Thùy Dung
Theo Scmp