1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Kiểm toán phơi bày tình trạng lập dự toán vô tội vạ trong sử dụng ngân sách

(Dân trí) - Trong việc lập dự toán năm 2014, một số đơn vị thậm chí phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần trong năm như Bộ Giáo dục và Đào tạo phải điều chỉnh 20 lần, Bộ Thông tin và Truyền thông 53 lần, Bộ Y tế 14 lần. Có những địa phương giao chỉ tiêu biên chế vượt chỉ tiêu do Bộ Nội vụ giao tới gần 4.600 biên chế như TPHCM, hơn 600 biên chế như Bình Dương...

Dự toán chi thường xuyên của một số bộ, ngành, địa phương chưa đầy đủ căn cứ tính toán và không sát thực tế.
Dự toán chi thường xuyên của một số bộ, ngành, địa phương chưa đầy đủ căn cứ tính toán và không sát thực tế.

Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014 vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố cho thấy, tại một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn tồn tại tình trạng lập dự toán không đầy đủ, danh mục dự án đề xuất bố trí vốn không sát thực tế nên phải điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch vốn, hay giao dự toán chưa phù hợp với danh mục dự kiến kế hoạch vốn.

Ngoài ra, có những đơn vị không phân bổ, khai chi tiết kế hoạch vốn ngay từ đầu năm; trong năm không phân bổ hoặc phân bổ vốn thấp hơn quy định.

Có những bộ, ngành, địa phương bố trí vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, không tuân thủ thứ tự ưu tiên, thiếu căn cứ hoặc không sát thực tế.

Nhiều đơn vị bố trí vốn cho một số dự án nhóm B quá 5 năm, nhóm C quá 3 năm, vượt mức vốn giai đoạn 2011-2015. Có thể kể đến Bộ Công thương với Dự án cơ sở 2 tại Bắc Ninh giai đoạn 2012-2015 của Viện nghiên cứu Da Giày vượt 5,3 tỷ đồng; Dự án nhà học lý thuyết 7 tầng Trường Cao đẳng Công Thương TP.HCM vượt 10 tỷ đồng; Dự án giai đoạn I Trường Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm vượt 22,5 tỷ đồng; Dự án cơ sở II (giai đoạn I) Trường đại học Công nghiệp Quảng Ninh vượt 15,9 tỷ đồng.

Một số địa phương chưa xây dựng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn, kế hoạch đầu tư giai đoạn 2011-2015, kế hoạch 3 năm 2013-2015; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn khi chưa được cấp có thẩm quyền thông qua.

Trong dự toán chi thường xuyên, tại một số Bộ, cơ quan trung ương còn tình trạng lập dự toán cao hơn khả năng ngân sách, số kiểm tra của Bộ Tài chính, chưa đầy đủ căn cứ tính toán và không sát thực tế.

Đáng chú ý, một số đơn vị giao dự toán chậm, điều chỉnh, bổ sung nhiều lần trong năm như: Bộ Nội vụ 3 lần, Bộ Thông tin và Truyền thông 53 lần, Đại học Quốc gia Hà Nội 11 lần, Đại học Quốc gia TP HCM 7 lần, Bộ Y tế 14 lần, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội 10 lần, Bộ Khoa học và Công nghệ 10 lần, Bộ Giáo dục và Đào tạo 20 lần.

Ngoài ra, báo cáo của KTNN còn cho thấy, một số địa phương lập và giao dự toán cho một số nhiệm vụ chi chưa tuân thủ định mức phân bổ của Hội đồng nhân dân tỉnh, giao dự toán chi cho đơn vị thụ hưởng không tuân thủ dự toán đã được HĐND quyết định, tính thiếu số trừ tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương.

Nhiều địa phương giao chỉ tiêu biên chế cao hơn chỉ tiêu do Bộ Nội vụ giao. Chẳng hạn như Thành phố Hồ chí Minh, UBND thành phố giao chỉ tiêu biên chế vượt so với chỉ tiêu do Bộ Nội vụ giao 4.599 biên chế; thành phố Đà Nẵng vượt 498 biên chế; Bình Dương vượt 636 biên chế; Vĩnh Phúc vượt 407 biên chế; Kon Tum vượt 227 biên chế; Bình Phước vượt 255 biên chế.

Cũng theo KTNN, trong công tác chi, nhiều bộ, ngành, địa phương bố trí chưa đảm bảo tối thiểu 10% tiền sử dụng đất để thực hiện công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Thông tư số 199/2013/TT-BTC ngày 20/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2014.

Trong khi có tình trạng phân bổ dự toán nhưng không có nhiệm vụ chi thì cũng tồn tại việc bố trí dự toán chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề thấp hơn mức Trung ương giao...

Bích Diệp