Kiểm soát độc quyền khi bán sân bay, cảng biển

(Dân trí) - Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định, việc xã hội hóa hạ tầng giao thông (cảng, hàng không, đường sắt...) là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, quá trình này phải đảm bảo kiểm soát độc quyền, công khai, minh bạch; không làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên (ảnh: BD)
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên (ảnh: BD).


Như tin đã đưa, tại buổi tiếp ông Nobuyuki Hirano, Chủ tịch Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ (BTMU) mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang sửa đổi và sẽ sớm ban hành Nghị định cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của các ngân hàng thương mại Việt Nam với tỷ lệ lớn hơn mức trần 30% hiện nay.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ xem xét quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng thương mại nói riêng.

Định hướng này nằm trong lộ trình tổng thể hội nhập quốc tế của Việt Nam, căn cứ trên các thoả thuận, cam kết mở cửa tại các hiệp định thương mại song phương và đa phương đối với từng ngành, lĩnh vực kinh tế cụ thể; tiếp tục tạo môi trường chính sách thuận lợi, thông thoáng, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh lâu dài, thành công tại Việt Nam. Đồng thời cũng gắn với việc triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, đổi mới quản trị và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi quy định hiện hành theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Theo quy định hiện hành, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.

Ngoài ra, cũng theo Bộ trưởng Nên, việc xã hội hoá, kêu gọi các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông (cảng, hàng không, đường sắt...) trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn chế là hết sức cần thiết. 

Trong thời gian qua các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về xã hội hoá đầu tư phát triển các dự án kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng công trình, chất lượng dịch vụ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. 

Trong quá trình triển khai, đã chú trọng bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước, nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc phòng, dân sinh; kiểm soát độc quyền, công khai, minh bạch; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng; không làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Cũng theo Bộ trưởng, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Trung ương về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, vừa bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện và huy động tối đa các nguồn lực nhất là nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo quy hoạch.

Bích Diệp
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”