Bán sân bay, lo độc quyền từ bát phở, cốc trà

Làm sao để hạn chế độc quyền khi tiến hành nhượng quyền khai thác các cảng hàng không là vấn đề được quan tâm nhất tại Hội thảo “Xã hội hóa quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay ở Việt Nam” do Cục Hàng không Việt Nam và Báo Lao Động tổ chức ngày 8.4.

Sảnh E (trái) kết nối với sảnh A nhà ga T1 tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Sảnh E (trái) kết nối với sảnh A nhà ga T1 tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Ở Việt Nam, hiện Vietnam Airlines và VietJet Air đang đề nghị được khai thác sảnh E và nhà ga T1 Nội Bài. Ông Lê Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam nhấn mạnh: “Việc nhượng quyền khai thác cả sân bay hay nhà ga hành khách cho một hãng hàng không là trường hợp thiểu số trên thế giới. Nếu xảy ra phải có quy định cụ thể đảm bảo các hãng hàng không khác được tiếp cận công bằng với các dịch vụ tại sân bay”.

Ông Hùng khẳng định nếu không đưa ra được các quy định cụ thể, chính sự độc quyền trên sẽ tạo ra sự chèn ép các hãng hàng không khác, làm giảm lượng hành khách từ các hãng hàng không khác đến sân bay. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế T.Ư ví thị trường nhượng quyền khai thác sân bay như một “sân chơi”. Nếu “sân chơi” này có nhiều người chơi cùng thông tin đầy đủ thì tự nhiên sẽ có cạnh tranh. Còn nếu “sân chơi” chỉ có một hoặc ít người chơi, cơ quan quản lý phải tạo áp lực cạnh tranh bằng các quy định điều tiết minh bạch, rõ ràng.

Ông Phạm Quý Tiêu – Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Độc quyền là vấn đề Bộ GTVT hết sức quan tâm khi nghiên cứu việc nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay. Tuy nhiên, sân bay có đặc thù là không phải ai cũng có thể mang sản phẩm cung cấp vào được vì phải đảm bảo an ninh, an toàn”.

Ông Tiêu cho hay trước đây, khi bàn về dự thảo Luật Hàng không, các chuyên gia đã tranh luận gắt gao về việc bát phở, cốc nước chè bán trong sân bay có cần đưa vào quản lý hay không?

Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là nhà đầu tư đừng để cơ quan quản lý phải đưa giá bát phở, cốc nước chè vào luật để quản. Anh tự quyết định giá bán. Tuy nhiên, khi anh bán bát phở lên đến giá 100 nghìn đồng thì chúng tôi buộc phải có ý kiến”.
 
Theo Vinh Hải - Hải Phong
Dân Việt
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”