Nếu độc quyền cảng biển sẽ bị bóp chết ngay!
(Dân trí) - Về đề xuất bán 100% vốn Nhà nước tại một số cảng biển, sân bay cho tư nhân, nhiều ý kiến nghi ngại rằng sẽ có độc quyền xảy ra. Tuy nhiên, phía Bộ GTVT khẳng định, độc quyền không thể diễn ra được.
Các chuyên gia cho rằng bán quyền khai thác, sử dụng và quản lý cảng biển cho tư nhân không những không có độc quyền mà còn tạo cạnh tranh trong dịch vụ vận tải biển thời gian tới
Đồng quan điểm này, ông Chu Quang Thứ, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải cũng cho rằng: “Nhà nước chỉ bán quyền khai thác, điều hành quản lý còn cơ sở hạ tầng, giá cả vẫn do Nhà nước kiểm soát nên chắc chắn sẽ không có chuyện độc quyền. Bên cạnh đó, các cảng hoạt động theo cơ chế thị trường, nếu anh độc quyền cơ chế thị trường tự nhiên nó sẽ bóp chết anh ngay”.
“Vào tay ai cũng được, miễn là họ biết biến lợi thế này làm giàu cho mình, cho đất nước và xã hội và Nhà nước phải tăng thu được thuế. Có tiền chưa chắc đã khai thác, vận hành được cảng, mà tiền phải đi liền với quy hoạch và chiến lược. Hơn ai hết, các DN đã mua họ đã tính đến việc tổ chức lại bộ máy, cách hoạt động, con người và tính phương án thuê chuyên gia đầu ngành giỏi về làm việc…”, TS Doanh nhận định.
Về kinh nghiệm tư nhân hóa các cảng biển, ông Thứ cho rằng trên thế giới rất nhiều quốc gia đã thực hiện trao quyền khai thác cho doanh nghiệp tư nhân. Mỹ có rất nhiều cảng mà Chính phủ liên bang chỉ thu thuế và quản lý theo luật của các bang mà không cần động vào các hoạt động kinh doanh của cảng. Tại Singapore, hệ thống cảng biển hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á thì họ đã tư nhân hóa gần hết các cảng biển nên vận tải cảng biển của Singapore hiện tại đang rất mạnh và được xem là hải cảng trung chuyển đẳng cấp quốc tế.
Tuy vậy, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, cần cấp thiết phải ban hành Luật: “Vẫn biết có Nghị định, Thông tư nhưng đây là các văn bản dưới luật, có thể thay thế bởi Chính phủ, bộ ngành. Chính vì vậy, ngay lúc này cần Luật hóa các Nghị định, Thông tư để rộng đường dư luận và tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước, nhà đầu tư và cơ chế ràng buộc người đứng đầu nếu có các vấn đề phát sinh hậu cổ phần, bán cảng”.