Khủng hoảng trứng ở Mỹ: Giá trứng cao kỷ lục, xuất hiện nạn "trứng tặc"

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Dịch cúm gia cầm, chi phí vận chuyển cao và quy định chăn nuôi nghiêm ngặt tiếp tục đẩy giá trứng lên cao kỷ lục. Liệu người tiêu dùng Mỹ còn phải đối mặt với cơn bão giá này bao lâu?

Xuất hiện "trứng tặc" khi giá tại Mỹ cao kỷ lục

Ngành công nghiệp trứng tại Mỹ đang chứng kiến nhu cầu cao kỷ lục trong 20 tháng liên tiếp. Thực trạng này đã gây áp lực lớn lên các cửa hàng tạp hóa, buộc họ phải giữ mức giá trứng bán ra cao kỷ lục, hoặc gần sát mức kỷ lục.

Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết trong tháng 1 vừa qua, một vỉ 12 quả trứng loại AA cỡ lớn, được nuôi theo tiêu chuẩn không lồng chuồng có giá 18,99 USD (gần 500.000 đồng).

Theo báo cáo chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng của Mỹ, giá trứng trong tháng 1 đã vượt mức kỷ lục 4,82 USD từng thiết lập cách đây 2 năm. Một vỉ 12 quả trứng loại A hiện là 4,95 USD, tăng gấp đôi so với hồi tháng 8/2023. 

Khủng hoảng trứng ở Mỹ: Giá trứng cao kỷ lục, xuất hiện nạn trứng tặc - 1

Giá trứng tại Mỹ liên tục tăng cao (Ảnh: FT).

Tình trạng khan hiếm hàng cùng các quy định giới hạn số lượng mua khiến ngay cả những khách hàng sẵn sàng chi tiêu cũng gặp khó khăn khi tìm mua trứng.

Trong bối cảnh giá trứng tiếp tục tăng cao, nhiều nơi đã xảy ra tình trạng "trứng tặc". Theo NBCNews, một nhóm trộm đã lấy 100.000 quả trứng trị giá khoảng 40.000 USD (khoảng 1 tỷ đồng) ở bang Pennsylvania. Cảnh sát địa phương đang rất nỗ lực để điều tra, giải quyết vụ việc này.

Giới truyền thông địa phương cho biết Pete & Gerry's Organics, công ty bị "trứng tặc" tấn công đã rất bất ngờ khi biết về vụ việc. Thậm chí chính cảnh sát nơi đây cũng ngỡ ngàng vì chưa từng gặp trường hợp nào như thế.

Hãng Pete & Gerry's Organics đã phải tăng cường an ninh cho các chuyến chở trứng gà trong bối cảnh chi phí vận tải cũng tăng lên do giá trị mặt hàng đi lên, thu hút các tay tội phạm.

Nguyên nhân nào đẩy giá trứng tăng phi mã?

Giá trứng thường tăng cao trong dịp lễ Phục sinh (20/4) do nhu cầu lớn. Tuy nhiên mức tăng kỷ lục hiện nay xuất phát từ dịch cúm gia cầm kéo dài tại Mỹ khiến nguồn cung gà giảm mạnh.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết hơn 41 triệu con gà đã bị tiêu hủy trong tháng 12/2024 và tháng 1 năm nay, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Phần lớn trong số này là gà đẻ trứng. Tình trạng trên khiến trứng gà trở nên khan hiếm ở nhiều nơi.

Sự xuất hiện của virus cúm gia cầm đã khiến hơn 17 triệu con gà đẻ trứng bị tiêu hủy trong tháng 11 và tháng 12/2024. Con số này chiếm gần một nửa tổng số gia cầm bị chết do virus trong năm 2024.

Dịch cúm gia cầm vẫn đang bùng phát tại các bang California, Indiana, Missouri, Bắc Carolina và Ohio khiến hơn 8 triệu con gia cầm bị tiêu hủy chỉ trong tháng 1 năm nay.

Theo các chuyên gia thị trường, chỉ khi không còn phát hiện thêm ca nhiễm cúm gia cầm mới thì nguồn cung trứng gà mới có thể ổn định trở lại.

"Giá trứng tăng do nguồn cung hiếm. Nhu cầu không thay đổi khi nguồn cung thắt chặt và do đó giá cả tăng lên theo", ông Matt Sutton Vermeulen, chuyên gia về chuỗi cung ứng thịt, sữa và trứng, cũng là Giám đốc của Công ty tư vấn Kearney, nhận định tình hình trong báo cáo.

Khủng hoảng trứng ở Mỹ: Giá trứng cao kỷ lục, xuất hiện nạn trứng tặc - 2

Các kệ hàng tại siêu thị hết sạch trứng (Ảnh: Reddit).

Vận chuyển cũng là yếu tố quan trọng tác động đến giá trứng. Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu tài xế xe tải dai dẳng, dẫn đến chi phí vận chuyển xe tải lạnh tăng cao.

Theo CBS MoneyWatch, vận chuyển bằng xe tải lạnh là một điểm khó khăn lớn trong chuỗi cung ứng thực phẩm hiện nay. Tình trạng thiếu tài xế, giá cước vận tải đường dài tăng cao đã khiến trứng gà trở nên tốn kém hơn trong việc vận chuyển.

Bên cạnh đó, luật về trứng gà không nuôi nhốt ở nhiều tiểu bang, bao gồm California, Michigan và Colorado, cũng góp phần làm tăng chi phí. Những luật này đặt ra các yêu cầu về không gian tối thiểu cho gà mái đẻ trứng, làm giảm năng lực sản xuất của hộ kinh doanh.

Khách hàng bị giới hạn, phụ thu khi mua trứng

Trước tình trạng khan hiếm, một số siêu thị còn giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 2 vỉ trứng. Biện pháp này nhằm duy trì nguồn cung trong bối cảnh nhiều người bắt đầu tích trữ vì lo ngại giá trứng tiếp tục tăng.

Ông Joe Trimbl, chủ hàng tạp hóa Encinal Market,  cho biết lượng trứng từ nhà cung cấp hiện chỉ đủ lấp đầy 25% các kệ hàng. "Đây là điều bạn không thể nghĩ đến cho đến khi tận mắt nhìn thấy các kệ để trứng trống trơn", ông Trimbl nói với Economic Times.

Giá trứng tăng cao khiến hàng loạt siêu thị như Walmart và Kroger phải tích cực trữ hàng, qua đó tiếp tục đẩy giá sản phẩm bình dân này tăng cao. Thậm chí chuỗi The Waffle House đã phải thu phụ phí 50 cent cho mỗi quả trứng gà.

Theo Numerator, các nhà bán lẻ trứng hàng đầu tại Mỹ như chuỗi Walmart, Costco, Kroger, Albertsons và Aldi cho biết 55% người tiêu dùng đã nhận thấy tình trạng thiếu hụt hoặc hết hàng trứng tại các nhà bán lẻ địa phương.

Các chuỗi cửa hàng bao gồm Kroger, Aldi và Walmart đã áp dụng các hạn chế đối với việc mua trứng tại một số địa điểm nhất định.

"Mặc dù nguồn cung rất eo hẹp, chúng tôi đang làm việc với các nhà cung cấp để cố gắng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời cố gắng giữ giá ở mức thấp nhất có thể", người phát ngôn của Walmart cho biết.

Khủng hoảng trứng ở Mỹ: Giá trứng cao kỷ lục, xuất hiện nạn trứng tặc - 3

Khách hàng bị phụ thu khi mua trứng (Ảnh: MS).

Khi nào giá trứng tại Mỹ mới bình ổn?

Theo NYT, tình hình trứng gà tại Mỹ sẽ còn diễn biến phức tạp bởi ngay cả khi dập dịch thành công, người nông dân vẫn cần thời gian để tái chăn nuôi đàn gà trở lại.

"Thị trường có thể cần đến 6 tháng mới có thể bình ổn lại được", ông Brian Moscogiuri, Phó chủ tịch công ty trứng Eggs Unlimited, cảnh báo trong báo cáo.

Lạm phát chưa giảm về mức kỳ vọng cũng làm tăng chi phí đầu vào tại các trang trại, gồm thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu, lao động. Nhiều chủ trang trại đầu tư nhiều hơn vào các biện pháp an toàn sinh học để nâng cao chất lượng.

Các chuyên gia dự báo giá trứng tại Mỹ sẽ còn duy trì ở mức cao trong năm nay. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, giá trứng có thể tăng khoảng 20% vào năm nay, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,2% của giá thực phẩm nói chung.

Trước tình trạng trên, nhiều người tiêu dùng liên tục tích trữ trứng, thậm chí tự mua gà mái về nuôi. Nhiều ngành sản xuất thực phẩm có trứng là thành phần chính cũng được dự báo tăng giá, điển hình như bánh nướng.