"Không thể trì hoãn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam"

(Dân trí) - Đánh giá công trình này không thể trì hoãn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thời gian tới NSNN cần bố trí thỏa đáng để tạo “vốn mồi” thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển tuyến đường cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP, trong đó bảo đảm nguồn vốn từ xã hội phải lớn hơn vốn NSNN.

Ngày 7/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về Đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đến năm 2020 do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) báo cáo.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhất trí về sự cần thiết và cho rằng, công trình này không thể trì hoãn. Công trình có vai trò bảo đảm cho nền tảng phát triển của đất nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.


Hiện nay, đã đưa vào khai thác 4 tuyến Bắc - Nam phía Đông, với tổng chiều dài 171 km

Hiện nay, đã đưa vào khai thác 4 tuyến Bắc - Nam phía Đông, với tổng chiều dài 171 km

Theo Phó Thủ tướng, nếu hoàn thành cơ bản được tuyến cao tốc này sẽ là tiền đề để xây dựng các tuyến đường cao tốc khác, hiện thực được mục tiêu năm 2020 đạt và vượt 2.000 km cao tốc đã đề ra.

Về nguồn vốn cho dự án, Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian tới ngân sách Nhà nước cần bố trí thỏa đáng để tạo “vốn mồi” thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển tuyến đường cao tốc này theo hình thức PPP, trong đó bảo đảm nguồn vốn từ xã hội phải lớn hơn vốn ngân sách Nhà nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính tính toán để đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn của Nhà nước, bảo đảm thời gian thu phí, mức phí hợp lý, đồng thời bảo đảm sự hấp dẫn để thu hút các đầu tư trong nước và đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án chi tiết về phát triển đường cao tốc, tập trung vào cao tốc Bắc - Nam về phía đông do Bộ GTVT chủ trì. Sau khi Bộ GTVT xây dựng xong Đề án, gửi các bộ liên quan để cụ thể hoá từng vấn đề, trong đó có mục tiêu, sự cần thiết, quy mô… nói rõ cơ chế huy động nguồn lực.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT phối hợp các bộ, ngành liên quan tính toán tổng mức đầu tư từng dự án, kiểm soát chất lượng các dự án, xây dựng các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư.

Tại một cuộc họp mới đây của Bộ GTVT, ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gồm 31 tuyến, với tổng chiều dài 6.411 km.

“Với các dự án đã hoàn thành, các dự án đang triển khai thì đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác 473 km. Để thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần tiếp tục đầu tư hoàn thành 1.304 km, trong đó để thông tuyến đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh phải đầu tư hoàn thành 1.280 km (tính theo chiều dài các tuyến cao tốc đang chuẩn bị đầu tư)” - Vụ trưởng Nguyễn Hoằng nói.

Cũng tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nói: “Riêng cao tốc, theo quan điểm của tôi, Chính phủ phải ghi hẳn một gói cho đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam, không ghi chung chung, vì đến năm 2020 chỉ còn 4 năm nữa nên mình phải đầu tư, 1 năm bình quân phải làm được 300 km đường cao tốc, tương ứng với suất đầu tư 1 km với 170 tỷ đồng (51.000 tỷ/năm)”.

Bích Diệp