Đi tìm cơ chế “bán” đường cao tốc

5 dự án đường cao tốc với tổng chiều dài 540 km đang được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nghiên cứu xây dựng kế hoạch “bán”, chuyển nhượng quyền thu phí tiếp trong năm 2015.

    Đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: ST
    Đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: ST

    Nhiều tiềm năng

    Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 

    * Italia cấm viên chức nhận quà trên 150 euro

    * Hà Nội còn 46 “điểm đen” ùn tắc giao thông

    * Mong một mức thưởng Tết đẹp như mùa xuân

    * Nga dọa trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ, Canada

    * Gian lận xăng dầu: No bụng rồi mới bị phát hiện

    * Thụy Sĩ chuyển vàng về Zurich

    Ông Trần Quốc Việt - Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC cho biết hiện Tổng công ty đã thành lập một ban chuyên trách gồm những cán bộ có năng lực tốt nhất để thực hiện chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư mua lại các dự án đường cao tốc mà VEC đã và đang xây dựng là: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

    Đến thời điểm này, một trong những tập đoàn lớn nhất về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của Ấn Độ là IL&FS Transportation Networks Limited cùng với 2 nhà đầu tư khác từ Philippines và Brishtish Virgin Islands đã quyết định rót vốn vào dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

    Hợp đồng nguyên tắc đã được thỏa thuận, IL&FS góp 49% vốn pháp định của dự án và Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) góp 51%. Dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2015 và nhà đầu tư sẽ thanh toán tiền mua vào thời điểm dự án hoàn thành.

    Trước băn khoăn về việc một số công trình, dự án có vốn vay của nhà tài trợ thì việc bán, chuyển nhượng các công trình này có thực hiện được hay không, ông Trần Quốc Việt cho rằng đơn vị này đã có văn bản xin ý kiến và đang chờ sự đồng ý từ phía các nhà tài trợ. Tuy nhiên, ông Việt tin tưởng rằng khả năng đồng ý là rất cao, vì việc huy động vốn, thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước cũng đang là vấn đề được nhiều nhà tài trợ khuyến khích.

    Ngoài ra, để tiến hành cho quá trình bán các dự án do mình đầu tư, trước đó VEC đã tiến hành một cuộc khảo sát tổng thể tại một số tuyến đường cao tốc đã và đang được đầu tư xây dựng. Qua khảo sát cho thấy, các dự án VEC đang khai thác đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Chỉ riêng cao tốc Nội Bài - Lào Cai mới đưa vào khai thác từ tháng 9-2014 mỗi ngày đã thu được 1,5 tỷ đồng tiền phí, lưu lượng vận tải tăng hơn 30%.

    “Kết quả khảo sát này thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư ngoại, khẳng định việc các nhà đầu tư khi mua lại các dự án hạ tầng giao thông tiềm năng của Việt Nam có thể sớm thu hồi vốn và có lãi”, ông Việt cho biết thêm.

    Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng ưu điểm của việc bán các dự án đường cao tốc, dù chưa hoàn thành sẽ giúp chủ đầu tư thu hồi vốn nhanh. Tuy nhiên, hiện chưa rõ các ưu đãi của Nhà nước sẽ được “thu hồi” về cho Nhà nước như thế nào. Bên cạnh đó, do chưa có một phương án cụ thể nên sẽ rất khó buộc các nhà đầu tư không tăng phí trong tương lai do biến động của nền kinh tế vĩ mô. 

    Kiểm soát chặt mức phí

    Trong một văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính cho rằng việc bán, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng đường bộ có thời hạn cho các nhà đầu tư là có đặc điểm riêng, không giống với hoạt động mua - bán thông thường. Nếu áp dụng phương thức đấu giá như bán đấu giá tài sản là không phù hợp.

    Bán, chuyển nhượng quyền thu phí các tuyến đường cao tốc sẽ cần phải có bước sơ tuyển nhà đầu tư đủ năng lực tài chính. Trong quá trình thu phí có thể xảy ra những biến động như Nhà nước thay đổi mức phí, điều chỉnh vị trí trạm thu phí, lạm phát… nên việc áp dụng một mức giá cố định là điều không thể, kể cả dự án đó là do Nhà nước quản lý.

    Mặt khác, một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cùng với việc bán, chuyển nhượng quyền thu phí, các lao động của trạm thu phí cũng phải được bàn giao, tiếp nhận và sử dụng. Thậm chí, còn phải chuyển giao cả công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa định kỳ tuyến đường được thu phí.

    Về vấn đề này, liệu nhà đầu tư nước ngoài có muốn “thầu” hết hay không, hoặc nhà đầu tư cũng muốn đưa nguồn nhân lực, công nghệ của họ vào thay thế quá trình quản lý dự án vẫn còn là điều đang tranh cãi. Trong khi đó, VEC chỉ mới đưa ra phương án chuyển nhượng, bán dự án như thế nào, mà chưa đề cập đến phương án xử lý các vấn đề quan trọng liên quan.

    “Trong đó, điều quan trọng nhất là khả năng dễ xảy ra nhất là nhà đầu tư sau khi mua dự án sẽ tùy tiện tăng phí tham gia giao thông. Chúng ta cho dù là có cam hết hay quy định buộc nhà đầu tư không tăng phí, nhưng với các yếu tố kinh tế thay đổi không lường trước được, nhà đầu tư có đủ cách để “xin” điều này”, vị này cho biết.

    Ngoài ra, việc chủ đầu tư cứ xin các cơ chế ưu đãi về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng để xây dự án xong rồi bán hết cho nước ngoài, vô hình trung sẽ tạo nên một xu hướng làm ăn “chìa khóa trao tay”. Điều này có nghĩa là các chủ đầu tư sẽ ồ ạt xin dự án, vay tiền từ các nhà tài trợ hoặc ngân hàng để đầu tư, sau đó bán lại kiếm lời, tính toán thế nào thì Nhà nước vẫn khó quản lý. Bởi vì các ưu đãi ở đây như giảm tiền thuê đất trong thời gian dài, giảm thuế thu nhập… phải hiểu rằng đều là tiền Nhà nước.

    Về vấn đề trên, ông Mai Tuấn Anh - Tổng Giám đốc VEC khẳng định rằng, các hợp đồng bán, chuyển nhượng quyền sở hữu và quyền khai thác hạ tầng giao thông đều sẽ có những điều khoản ràng buộc để nhà đầu tư không phải cứ muốn tăng phí là tăng và tăng bao nhiêu cũng được. Các điều khoản này hiện đang được VEC tính toán rất kỹ lưỡng để bảo đảm tối ưu nhất quyền lợi của 3 bên là Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

    Theo Quang Duy
    Báo Hải quan

    Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”