Không giãn thời gian nộp thuế VAT của doanh nghiệp dệt may
(Dân trí) - Bộ Tài chính vừa "bác" kiến nghị về giãn thời gian đóng thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng cho các doanh nghiệp dệt may trong nước tiêu thụ vải nguyên liệu trong nước nhằm phát triển chuỗi cung ứng.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính Luật Thuế VAT hiện hành quy định 3 mức 0%, 5% và 10%, trong đó mức thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu theo thông lệ quốc tế (qua các điều ước FTA, MFN (chính sách tối huệ quốc...).
Theo quy định hiện hành thì thuế suất thuế VAT đối với mặt hàng vải là 10%. Doanh nghiệp trả thuế VAT 10% khi mua vải trong nước, khi xuất khẩu được áp dụng thuế suất VAT 0% và được khấu trừ hoàn toàn thuế VAT đầu ra.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, thuế VAT là là thuế gián thu, người mua trả thuế khi mua hàng, dịch vụ, người bán thu gom tiền thuế thông qua giá bán hàng hóa, dịch vụ và kê khai nộp Ngân sách Nhà nước.
Nếu điều chỉnh giãn thời gian đóng thuế VAT áp dụng cho nguyên liệu vải tiêu thụ trong nước nhằm phát triển chuỗi cung ứng thì thực chất DN bán vải chiếm dụng tiền thuế VAT của Ngân sách Nhà nước do người mua đã trả. Tại Luật Thuế VAT không có quy định giãn thời gian nộp thuế.
Chính vì vậy, theo Bộ Tài chính, kiến nghị giãn thời gian đóng thuế VAT áp dụng cho tiêu thụ vải trong nước nhằm phát triển chuỗi cung ứng là chưa phù hợp với Luật quy định hiện nay.
Trước đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Bộ Công Thương đều có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về nghiên cứu giải quyết chính sách liên quan đến thời hạn nộp thuế VAT đối với DN mua vải trong nước nhằm hỗ trợ tài chính cho các DN dệt may trước thách thức hội nhập, cạnh tranh.
Quan điểm của VITAS là DN mua vải trong nước để sản xuất, xuất khẩu phải nộp 10% thuế VAT ngay khi mua hàng là không khuyến khích sản xuất trong nước, không tạo được cơ hội để các DN phát triển chuỗ sản xuất.
Nguyễn Tuyền