Chính sách thuế VAT mới đang “bóp chết” doanh nghiệp phân bón nội
(Dân trí) - "Luật 71 hướng đến giảm thuế giá trị gia tăng cho người nông dân mua phân bón, song đây chỉ là lợi ích ngắn hạn. Chính Luật này đã và đang bóp chết các doanh nghiệp phân bón trong nước, thúc đẩy và mở cửa cho nhập khẩu phân bón từ nước ngoài tràn vào Việt Nam".
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hạc Thuý, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam tại Toạ đàm Gỡ khó chính sách Thuế VAT cho phân bón Việt Nam diễn ra sáng nay (27/10) tại Hà Nội.
Theo ông Thuý, trong khi DN phân bón chịu thiệt hại lớn từ chính sách thuế VAT của Luật 71 thì họ lại chịu cạnh tranh từ chính sách thuế nhập khẩu phân bón bị hạ mạnh. Cụ thể, trước kia phân bón nhập khẩu phải chịu thuế 11% (bao gồm 6% thuế nhập khẩu và 5% thuế VAT) thì nay, mức thuế này hạ xuống còn 6%.
"Luật 71 hướng đến giảm thuế giá trị gia tăng cho người nông dân mua phân bón, song đây chỉ là lợi ích ngắn hạn. Chính Luật này đã và đang bóp chết các doanh nghiệp phân bón trong nước, thúc đẩy và mở cửa cho nhập khẩu phân bón từ nước ngoài tràn vào Việt Nam", ông Thuý phân tích.
Ông Dương Trí Hội, Phó TGĐ Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí cho biết: Có nhiều nhà máy sản xuất phân bón của Việt Nam hiện nay đang được đầu tư nhà xưởng, công nghệ hiện đại. Nhưng khấu hao chưa có mà giá thành sản phẩm thời gian qua liên tục hạ, trong khi chính sách thuế VAT hiện nay là không công bằng nên các DN rất sợ đầu tư.
"Thuế VAT đầu ra cho phân bón bằng 0%, chúng tôi hiểu Nhà nước đang ủng hộ cho nông dân, giảm giá bán, chính phủ hoàn thuế cho DN, hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, chúng ta lại vô tình mở cửa cho phân bón nước ngoài hưởng lợi, phá sản xuất trong nước", ông Hội nói.
Ông này nhấn mạnh: "Nếu DN phân bón trong nước không cạnh tranh được, thua lỗ, phá sản thì cuối cùng chúng ta lại nhường thị trường cho phân bón Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… Trong khi đó, ở các quốc gia này, chính sách hỗ trợ phân bón trong nước của họ khiến phân bón nước ngoài không phải dễ mà vào được".
Để tháo gỡ khó khăn, bà Trần Thị Bình, Đại diện Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau kiến nghị: "Chúng tôi cần được cân đối quyền lợi giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng chứ không đòi hỏi đặc quyền cho riêng mình, Chúng tôi mong Quốc hội sửa lại Luật, ít nhất cũng phải áp dụng VAT đầu ra là 5% để tháo gỡ khó khăn cho DN".
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Đại diện Công ty CP Phân bón DAP Vinachem (Hải Phòng) cho hay: Trên thực tế, lợi ích của người nông dân khi áp dụng Luật 71 chưa chắc đã được hưởng giảm giá bởi vì thị trường không thể bền vững khi lệ thuộc phân bón nước ngoài. Thời gian qua, giá phân bón trong nước giảm là do giá thế giới đồng loạt giảm, cả phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu cũng đều giảm.
"DN trong nước đang phải chi nhiều tiền hơn để sản xuất, giá bán ra thị trường thấp hơn thì bản chất phải xem phân bón nước ngoài có trợ giá hay không, chính sách của chúng ta có cào bằng không? Nếu Luật 71 tiếp tục được áp dụng, không màng tới những khó khăn của DN, chắc chắn các DN phân bón sẽ dừng hoạt động và phá sản là điều tất yếu. Lúc ấy thị trường phân bón ngày càng lệ thuộc ngoại nhập. Điều này rất nguy hiểm", ông Trung nói.
Ông Hồ Quang Thái, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng cho rằng, có nhiều vấn đề đang đặt ra ở đây là Luật khi xây dựng và áp dụng phải thỏa mãn lợi ích các bên. Tuy nhiên, qua khảo sát, chúng tôi thấy tồn tại nhiều vấn đề.
Hỗ trợ nông dân thuế VAT đầu ra bằng 0%, điều này đồng nghĩa với lượng phân bón nhập khẩu về ồ ạt, với giá rẻ, cạnh tranh rất mạnh với DN. Các DN trong nước thời gian qua đã cố gắng sản xuất tốt, thay đổi công nghệ để ổn định thị trường, nhưng giá phân bón thế giới xuống thấp, lại chịu các điều chỉnh về thuế VAT này, khiến họ cực kỳ khó khăn.
Ôg Thái phân tích: Thuế VAT đầu vào vẫn áp dụng 10%, nhưng đầu ra bằng 0% thì ngân sách Nhà nước được lợi, nhưng lại tăng chi phí DN sản xuất phân bón. Họ không biết bù trừ khoản thuế này vào đâu, ngoài vào giá thành sản phẩm. Giá cao, sản xuất đình trệ, DN thua lỗ, công nhân mất việc. Như vậy, mục đích cuối cùng của Luật 71 là an sinh xã hội, tạo việc làm đã không làm được.
"Vừa qua Ban chỉ đạo 389 Quốc gia có đi kiểm tra phân bón ở nhiều nơi, DN cho biết với bối cảnh hiện nay, họ không dám đầu tư đổi mới công nghệ và hiện đại hoá dây truyền sản xuất bởi mức khấu hao lớn cho thiết bị trong khi chính sách thuế đang tạo điều kiện cho phân bón ngoại nhập. Như tình hình hiện nay, DN chỉ còn nước quay về với công nghệ cuốc xẻng - sản xuất phân bón thủ công", ông Thái cho biết.
Nguyễn Tuyền