Không đón khách Tàu, hủy tour đi Trung Quốc

Nhiều người ủng hộ việc một khách sạn ở Nha Trang quyết định không phục vụ khách Tàu, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cách phản ứng này là cực đoan. Trong khi đó, khách Việt Nam cũng lục đục hủy tour đi Trung Quốc.

“Chúng tôi sẽ không phục vụ du khách Trung Quốc trừ khi Chính phủ của các bạn đưa giàn khoan HD981 ra khỏi vùng biển Việt Nam”, một khách sạn 3 sao ở Nha Trang vừa dán thông báo này tại bàn bảo vệ và quầy lễ tân.

 

Trên Dân Việt, giám đốc khách sạn này cho hay do rất bức xúc trước hành động ngang ngược của Trung Quốc khi đặt giàn khoan Hải dương - 981 trong vùng biển Việt Nam nên đã hành động như vậy. Sau khi dán thông báo, khách sạn đã từ chối một đoàn khách Trung Quốc khảo sát du lịch Việt Nam vào mùa hè này.

 

Tương tự, trên bàn một quán giải khát thường phục vụ khách nước ngoài ở Nha Trang cũng đặt những tấm bảng thông báo tương tự “Không phục vụ người Trung Quốc trừ khi Chính phủ Trung Quốc rút giàn khoan HD981 ra khỏi vùng biển Việt Nam” bằng tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh.

 

Một khách sạn ở Nha Trang nói không với khách Trung Quốc (ảnh Dân Việt)
Một khách sạn ở Nha Trang nói không với khách Trung Quốc (ảnh Dân Việt) 

 

Việc phản đối này, theo các luật sư, là không phạm luật. Mục đích việc từ chối phục vụ khách hàng người Trung Quốc để phản đối hành động sai trái của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam. “Nói về luật không sai, ở đây không sai cả về lý và tình”, một luật sư nói trên báo GDVN.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Từ khi Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan Hải dương - 981 tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, trên các trang mạng xã hội cũng đồng loạt kêu gọi tẩy chay dùng hàng Trung Quốc hoặc “đóng cửa”, không tiếp khách Tàu. Chẳng hạn, không dùng điện thoại rẻ xuất xứ Trung Quốc, quần áo, đồ điện tử, đồ gia dụng... cho đến không xem phim Tàu. Chủ một cửa hàng bán tranh cổ động ở Hàng Bạc cũng cho hay ngay từ khi biết tin, chị đã yêu cầu nhân viên không tiếp chuyện, không bán hàng cho khách Hoa. Mỗi ngày, chị đưa lên trang cá nhân một bức tranh cổ động nói về tinh thần yêu nước, đoàn kết, quyết tâm chống giặc ngoại xâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

 

Cũng trong làn sóng kêu gọi tẩy chay, khách du lịch Việt cũng lục đục bỏ tour đi Trung Quốc. Báo Tuổi trẻ đưa tin, nhiều công ty du lịch có khai thác tour du lịch Trung Quốc tại TP.HCM cho hay số lượng khách bỏ tour ngày càng tăng. Sau sự việc Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh trong vùng biển Việt Nam cách đây 2 năm, số lượng khách Việt sang đây vừa nhen nhóm tăng trở lại nay có nguy cơ sụt giảm mạnh.

 

“Khách mua tour sang Trung Quốc ở công ty này mấy ngày liên tục đã giảm hẳn và ngày nào cũng có khách thông báo bỏ tour”, giám đốc một DN lữ hành tại TP.HCM nói.

 

Thậm chí, đã có khách bỏ chỗ, không ra sân bay làm thủ tục đi tới các thành phố của Trung Quốc.

 

Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ việc không phục vụ khách Trung Quốc, không dùng hàng do Trung Quốc sản xuất, cho rằng đó là thể hiện sự yêu nước, thái độ cương quyết với hành động ngang ngược của “nước láng giềng phương Bắc”, cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng, không nên phản ứng một cách cực đoan như vậy.

 

Một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, nhận xét, trong các gia đình Việt Nam từ nghèo đến giàu, chẳng có gia đình nào mà trong nhà không có đồ dùng hay linh kiện Tàu. Các nước khác trên thế giới cũng vậy. Hàng Trung Quốc xuất hiện, được sử dụng ở khắp nơi.

 

Vấn đề là, “thấy nhiều người kêu gọi tẩy chay hàng Tàu, nhưng chưa thấy nhà nào mang TV, tủ lạnh, máy giặt, lò nướng, laptop, iPhone, iPad... lắp linh kiện Tàu quẳng ra đường”. Chuyên gia này lo ngại, nếu không bán hàng và dịch vụ của Việt Nam cho Trung Quốc, thì tới đây, nếu chúng ta không xuất khẩu thủy sản, gạo, trái cây... sang Trung Quốc nữa thì thị trường trong nước sẽ ra sao?

 

Thể hiện tinh thần yêu nước có nhiều cách, nhưng đừng sa vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi - nhiều người trên Facebook cảnh báo. Bởi, phần lớn người Trung Quốc vẫn rất yêu chuộng hòa bình và yêu mến Việt Nam.

 

Ngay trong cuộc biểu tình sáng 11/5, một người Hoa ở Sài Gòn cho rằng anh cảm thấy tổn thương sâu sắc trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải dương - 981 vào trái phép trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, và kêu gọi Trung Quốc tôn trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, trân trọng những truyền thống quý báu, tốt đẹp của hai nước, hai dân tộc.

 

Vậy thì, thay vì tẩy chay hay chỉ trích những người Trung Quốc thiện chí, có ý kiến cho rằng nên thông tin cho họ những điều mà chính quyền của họ đang làm với Việt Nam, thay vì thấy chính quyền của họ hành xử thô bạo thì chúng ta cũng đối lại với tương tự với người dân nước họ.

 

Theo Ngọc Hà

VietnamNet
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước