Không dễ để thu thuế qua facebook

(Dân trí) - Việc đánh thuế đối với doanh nghiệp, cá nhân mua bán trên internet là phù hợp vì "có kinh doanh thì phải đóng thuế". Hơn nữa, đánh thuế kinh doanh online nhằm công bằng với kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, thu thuế online bằng cách nào là điều không phải dễ.

Tranh luận "nảy lửa"

Hoạt động mua bán thông quan internet đang trở thành trào lưu. Ngày càng xuất hiện nhiều shop hàng online, các trang web mua bán trực tuyến... Doanh thu hoạt động thương mại điện tử này ước tính với con số "khủng". Tuy nhiên, hiện loại hình kinh doanh này chưa bị đánh thuế.

Nhằm chống thất thu thuế đối với loại hình thương mại qua mạng internet, Cục Thuế TPHCM cho biết, cơ quan này đang hoàn thiện dự thảo kế hoạch thu thuế đối với hoạt động kinh doanh này. Hiện Cục thuế TPHCM đang phối hợp với các Sở ngành liên quan như Sở Công Thương, Sở Thông tin & Truyền thông cũng như nhà mạng, ngân hàng, bưu điện, chuyển phát nhanh... để nắm thông tin hoạt động kinh doanh qua mạng internet trên địa bàn. Từ nguồn "dữ liệu" này, Cục Thuế TPHCM mới "bắt tay" cùng các Sở ngành liên quan để có quy chế phối hợp quản lý hoặc trình kế hoạch cụ thể để UBND TPHCM ban hành. Việc triển khai thu thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng vì thế có thể chậm hơn chứ không thể triển khai ngay trong tháng 4/2017.

Thông tin TPHCM sẽ đánh thuế hoạt động kinh doanh trên internet mà trước hết là mạng xã hội facebook, một số cá nhân, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này có nhiều ý kiến trái chiều.

Chị Mỹ Vân, chủ trang web chuyên bán đặc sản miền Trung cho biết, chị hoàn toàn đồng ý với việc thu thuế. Bởi, việc kinh doanh qua mạng không phải đầu tư nhiều chi phí về nhân viên, lại càng không tốn tiền thuê mặt bằng.

Thế nhưng, trái với quan điểm của chị Vân, anh Nguyễn Thanh Hùng, chủ một shop thời trang trên facebook cho rằng, việc buôn bán chỉ là tranh thủ những lúc nhàn rỗi chứ không phải là thu nhập chính mà vẫn bị đánh thuế thì không khác nào anh bị đánh thuế 2 lần. "Ai biết được rằng, tuy không tốn mặt bằng, nhân viên nhưng chúng tôi phải bỏ ra hơn 10 triệu đồng mỗi tháng để chạy quảng cáo trên facebook, google...", anh Hùng bức xúc.

Nhiều chuyên gia nhận định, thu thuế kinh doanh online là việc phải làm nhưng thực hiện không dễ
Nhiều chuyên gia nhận định, thu thuế kinh doanh online là việc phải làm nhưng thực hiện không dễ

Thu thuế online: Không dễ

Theo Cục Thuế TPHCM, cơ quan thuế yêu cầu người thường xuyên kinh doanh hàng hóa qua mạng phải có trách nhiệm đăng ký, kê khai thu nhập để nộp thuế theo quy định chứ không phải đánh đồng tất cả. Khi rà soát, kiểm tra cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng có thu nhập chịu thuế nhưng không tự giác kê khai, cơ quan thuế sẽ truy thu và xử phạt theo quy định; đồng thời yêu cầu cá nhân, tổ chức đó đăng ký kinh doanh hàng hóa qua mạng…

Chuyên gia về thuế Nguyễn Văn Trường cho rằng, bản chất của kinh doanh thì phải đóng thuế. Theo nguyên tắc của luật Quản lý thuế tại Việt Nam, bất kỳ chủ thể nào đã kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Đó là nghĩa vụ của bất cứ cá nhân hay pháp nhân nào. Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử không quy định cụ thể về việc nộp thuế của người bán hàng trên mạng xã hội nhưng Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã quy định: “Người bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”. Việc kê khai thuế, cách thức thu thuế, mức thuế, loại thuế… được áp dụng theo các quy định pháp luật hiện hành về thuế và quản lý thuế.

Ông Trường cho rằng, đến bây giờ Việt Nam mới có kế hoạch thu thuế đối với các hoạt động mua bán qua internet là đi sau so với các nước khác trên thế giới. Chuyên gia này cho biết, ở Trung Quốc, thậm chí nghề MC trên mạng cũng bị đánh thuế. Việc đánh thuế ở nước ngoài dựa vào việc mua bán hàng hoá, dịch vụ thông qua thanh toán bằng tài khoản ngân hàng. Cơ quan thuế luôn có sự kết nối với hệ thống ngân hàng để lấy số liệu của hầu hết các giao dịch của khách hàng. Cho nên, người kinh doanh qua mạng khó có cơ hội để trốn thuế. Bên cạnh đó, các mạng xã hội đều có đăng ký với cơ quan Nhà nước về hoạt động hợp pháp của họ và cơ quan thuế hoàn toàn hợp tác với các mạng xã hội này để yêu cầu họ cung cấp thông tin về các giao dịch mua bán trên mạng xã hội này.

"Hiện nhiều cửa hàng kinh doanh truyền thống (offline) phải trả mặt bằng vì không gánh nổi các chi phí. Do đó, nếu Nhà nước chỉ đánh thuế đối với hoạt động kinh doanh offline mà không đánh thuế kinh doanh online thì sẽ ngành kinh doanh truyền thống sẽ chết yểu trong một sớm một chiều. Để đảm bảo công bằng, cần đánh thuế kinh doanh online", ông Trường nói.

TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay pháp luật Việt nam về cơ bản đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc thu thuế kinh doanh qua mạng. Tuy nhiên, để thực hiện các quy định này trên thực tế thì không bao giờ là đơn giản. "Việc thu thuế này tại Việt Nam là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhưng để thực hiện thì theo tôi là rất khó khăn và tốn nhiều thời gian để đưa ra một quy trình thực hiện chung giữa các bên trong sự phối hợp với nhau", TS Tín nói.

"Thời gian đầu chỉ nên thu thuế đối với các đối tượng kinh doanh thường xuyên và quy mô lớn ở trên mạng xã hội. Tôi dự báo là sẽ tốn không dưới 3-5 năm tới để các bên có liên quan cùng thống nhất quy trình thu thuế, như cơ quan thuế, hệ thống ngân hàng, các nhà mạng, mạng xã hội… sau đó phải tốn nhiều năm nữa để thực sự thu được thuế trong hoạt động này", TS Tín nói thêm.

Chuyên gia kinh tế này bày tỏ sự tin tưởng vào hiệu quả của chiến dịch thu thuế kinh doanh qua mạng. Tuy nhiên, để việc này phát sinh hiệu quả thì phải tốn thời gian không hề ngắn. "Để thực hiện thành công kế hoạch này, cần phải có sự quyết tâm của ngành thuế; sự phối hợp của các bên có liên quan như cơ quan thuế, hệ thống tổ chức tín dụng, công nghệ thông tin, mạng xã hội… và quan trọng là thói quen thanh toán không dùng tiền mặt", TS Tín khẳng định.

Công Quang