"Không có TPP, Việt Nam vẫn sẽ phải cải cách kinh tế"

(Dân trí) - Tôi lo là chiều hướng các công ty Mỹ họ quay trở về sản xuất trong nước sẽ làm thay đổi tư duy và quan hệ kinh tế của toàn cầu. Nền kinh tế tự động hóa sẽ ngày càng phát triển và các nước trình độ kém sẽ không nhận được chia sẻ lợi ích phát triển, sẽ thành thị trường hàng hóa thay vì thị trường nhân tố sản xuất như trước đây.

Đó là lo ngại của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về những đồn đoán xung quanh số phận của Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nguy cơ sụp đổ khi Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donal Trump tuyên bố không ủng hộ TPP, đồng thời kêu gọi các DN Mỹ về nước sản xuất, tạo việc làm thay vì sang các nước khác.

Số phận của TPP đang nằm trong tay nhà sáng lập của Hiệp định này.
Số phận của TPP đang nằm trong tay nhà sáng lập của Hiệp định này.

Nhấn mạnh về sự kỳ vọng của TPP, bà Lan cho rằng: Người ta đang có khái niệm TPP là hiệp định của tương lai, của thế kỷ mới. Nhưng xét về thương mại, đối với Việt Nam, TPP chỉ là 1 kênh hội nhập quốc tế thôi, không phải là tất cả đối với Việt Nam. Nếu TPP không được Mỹ thông qua, chúng ta còn rất nhiều cơ hội cho DN Việt Nam, hàng Việt qua BTA (Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ) hay cơ chế của WTO...

Cái quan trọng ngoài thương mại của TPP chính là trợ giúp, chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị và sân chơi giữa các nước lớn và các nước nhỏ thông qua một cơ chế phẳng về luật pháp, hành chính công và cạnh tranh... Điều này được kỳ vọng sẽ giúp các nước có thể chế kinh tế yếu hơn, sửa đổi, thích ứng với các thể chế kinh tế hiện đại bậc nhất thế giới như Mỹ, Nhật, Singapore...

Theo chuyên gia Lan, nếu chủ trương kéo nhà tư bản Mỹ trở về chính quốc, tăng lao động việc làm bằng thắt chặt thị trường hàng nhập khẩu của tân Tổng thống Mỹ được thực hiện như cam kết, chắc chắn xu hướng tiếp cận thị trường Mỹ sẽ khó khăn hơn. Các biện pháp bảo hộ thị trường phi thuế quan như: tiêu chuẩn quy chuẩn, môi trường... sẽ gây cản trở xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.

Tuy nhiên điều này về lý thuyết là đúng, còn giới tư bản sẽ không dễ dàng từ bỏ lợi ích đó trong việc đầu tư vào Việt Nam, nơi có thị trường, dân số đông, lao động rẻ và nền kinh tế mở.

"Các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia, họ vẫn có sự chủ động, có tính toán toàn cầu và thị trường Việt Nam là thị trường mà các công ty Hoa Kỳ không dễ bỏ qua. Nhất là Việt Nam là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN với 600 triệu dân, sau này Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand của hơn 2 tỷ người và 50% dân số toàn cầu", bà Lan cho hay.

Bà Lan cho hay, không thể trông chờ TPP và nước ngoài giúp Việt Nam cải cách kinh tế. Không có TPP, Việt Nam vẫn phải cải cách để phục vụ bản thân mình. Trong giai đoạn hiện nay nếu Việt Nam không thúc đẩy mạnh công cuộc cải cách thì sẽ không thể nào phát triển lên được.

"Tôi lo là chiều hướng các công ty Mỹ họ quay trở về sản xuất trong nước sẽ làm thay đổi tư duy và quan hệ kinh tế của toàn cầu. Nền kinh tế tự động hóa máy móc thay con người sẽ ngày càng phát triển và các nước trình độ kém sẽ không nhận được chia sẻ lợi ích phát triển, sẽ thành thị trường hàng hóa thay vì thị trường nhân tố sản xuất như: lao động, đầu tư, tư bản và lợi thế thị trường như hiện nay", bà Lan phân tích.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh: Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã đưa ra cảnh báo những nước dùng nhiều lao động giá rẻ chịu sức ép rất lớn từ tự động hóa và có thể trong 10 - 15 năm nữa sẽ mất 86% việc làm trong lĩnh vực này. Vì vậy, bản thân lao động trong nước họ cũng trở nên rất rẻ và họ quay về nước. Từ nhu cầu đó đón đầu thách thức cũng như cơ hội của công nghệ Việt Nam muốn hay không buộc phải chuyển đổi cơ cấu của mình, không thể mãi dựa vào lao động giá rẻ được.

Còn đánh giá về nguy cơ TPP đổ vỡ dưới chính sách dưới thời của tân Tổng thống Mỹ Donal Trump, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng: "TPP sẽ không dễ dàng bị loại bỏ bởi chính sách của tân Tổng thống Mỹ bởi TPP không phụ thuộc vào ông Trump hay bất kì Tổng thống nào khác, nó là vấn đề của nước Mỹ, lợi ích toàn cầu của Mỹ. Chừng nào Mỹ còn muốn đóng vai trò cường quốc kinh tế, duy trì và ổn định an ninh toàn cầu, Mỹ còn cần TPP".

Theo ông Thành, một sự kiện gây bất ngờ là ngay sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ là Nhật Bản đã thông qua việc gia nhập TPP. Đây có thể xem là động thái ủng hộ chính quyền Obama từ bên ngoài Nhà Trắng và Nhật đã đưa ra một lời thúc giục với ông Trump về việc rất muốn hiệp định này thông qua.

TS Thành nói: "TPP có "điều kiện khóa" yêu cầu ít nhất có 6 nước thành viên tham gia và phải chiếm 85% GDP của toàn khối. Hiện nay Mỹ chiếm 60%, Nhật 17%. Như vậy, nếu không có Mỹ hoặc Nhật, TPP sẽ tự động hủy. Do đó, Nhật – đối tác hàng đầu của Mỹ ở TPP đã đi trước một bước để thúc giục Mỹ".

Nguyễn Tuyền