1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TPHCM: Hãy thực tế và đừng quá kỳ vọng vào TPP

(Dân trí) - Chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định số phận của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là rất mỏng manh. Theo ông, có thể hiệp định sẽ không được thông qua trong nhiệm kỳ Tổng thống Obama và thảo luận lại trong thời gian dài.

TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định như trên tại phiên họp chuyên đề “Kiều bào tham gia đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ của TPHCM” trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới.

Chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu (ảnh Nguyễn Quang)
Chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu (ảnh Nguyễn Quang)

TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết sự đóng góp của kiều bào vào nền kinh tế TPHCM là rất đáng kể. Trong năm nay dự kiến kiều hối về TP khoảng 6 tỷ đô la, chiếm một nửa tổng số kiều hối gửi về nước. Thế nhưng ngoài kiều hối ra kiều bào có thể đóng góp qua công nghệ, qua lĩnh vực đầu tư khác.

“Thực sự, cho đến nay chúng ta chưa kêu gọi được nhiều chuyên gia, nhà đầu tư về TPHCM. Số doanh nghiệp nước ngoài, chuyên gia đầu tư về Việt Nam còn ít. Tôi là một trong vài người dám về đầu tư và ở Việt Nam. Rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài về Việt Nam sau đó không trở lại. Tại sao có hiện tượng này? Hình như chúng ta chưa có chính sách đãi ngộ phù hợp đối với nhà đầu tư, chuyên gia?”, ông Hiếu đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng đề cập đến các hiệp định thương mại, đặc biệt nhấn mạnh đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu hàng hóa cho Việt Nam.

Tuy vậy, ông Hiếu cũng hoài nghi về tương lai của TPP khi cho rằng những thông tin từ phía Hoa Kỳ cho thấy có khả năng TPP không được thông qua trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Ông Hiếu nhận định số phận của TPP là rất mỏng manh. Nếu điều chỉnh thì TPP sẽ thảo luận lại trong thời gian dài mới thông qua.

“Đi thăm người dân ở miền Tây và các doanh nghiệp bất động sản, tôi thấy họ rất kỳ vọng vào TPP và chuẩn bị dự án đón đầu để phục vụ xuất khẩu hay xây nhà cho chuyên nước ngoài về Việt Nam đầu tư. Có thể họ đã kỳ vọng quá mức và có thể rơi vào những khó khăn. Chúng ta phải thực tế và cẩn thận vì TPP chưa đến đâu, Quốc hội nhiều nước chưa thông qua”, ông Hiếu nói và cho rằng Việt Nam cũng còn nhiều hiệp định thương mại khác để đưa hàng hóa vào thị trường thế giới. Và kiều bào sẽ có cơ hội mở rộng quan hệ kinh tế.

Ông Hiếu cho rằng vấn đề đối với kiều bào khi về Việt Nam đầu tư là nghiên cứu thị trường thông qua các công ty tư vấn về pháp luật, đầu tư. Do đó, TP cần nỗ lực nhiều hơn nữa, những tuyên truyền mang tính khẩu hiệu không có tác dụng gì cả. Chuyên gia, doanh nghiệp nước ngoài về Việt Nam đầu tư cần nhìn vấn đề thực chất nên TP cần có thông tin thực chất về đầu tư nước ngoài chẳng hạn như nhận bao nhiêu kiều hối, đầu tư vào những lĩnh vực gì…

Bên cạnh đó, TP nên có trung tâm thông tin cho kiều bào giải quyết các vấn đề visa, y tế, du lịch,… Đồng thời, TP cần có cơ chế tốt hơn phục vụ kiều bào. Ông Hiếu tin rằng kiều bào sẽ về với TP nếu có chính sách tốt.

Chuyên gia kinh tế TS Phạm Đỗ Chí (ảnh Nguyễn Quang)
Chuyên gia kinh tế TS Phạm Đỗ Chí (ảnh Nguyễn Quang)

Trong khi đó, TS Phạm Đỗ Chí (Việt kiều Mỹ) cho biết bức tranh kinh tế vĩ mô trong giai đoạn tới sẽ rất xấu do khó khăn về tài chính, ngân sách bởi nợ xấu ngân hàng, nợ công… Chính phủ và TP phải thay đổi một số cách làm để thay đổi môi trường đầu tư cho từng dự án đơn lẻ nếu không sẽ không thành công.

Ông Chí cho biết, lúc trước về nước có nghe đến dự án tái cơ cấu nền kinh tế trong 5 năm (2016-2020) với số vốn khổng lồ 10 triệu tỷ đồng (tương đương 480 tỷ USD). Thế nhưng GDP năm 2015 của Việt Nam chỉ khoảng 200 tỷ USD. Đầu tư tái cơ cấu mỗi năm gần 100 tỷ đô USD, chiếm một nửa GDP thì không biết lấy tiền ở đâu ra? Đây là con số vĩ đại nhưng không có tiền và không cần nhiều tiền như vậy.

Ông Chí dẫn lại câu chuyện thời kỳ đổi mới, Việt Nam đang trong tình trạng thiếu ăn và đang bối cảnh kinh tế rất xấu. Trong tình huống bức bách đó, Chính phủ đã áp dụng biện pháp đổi mới bằng “ngòi bút” là bỏ cơ chế kiểm soát giá gạo. Và Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo top 3 thế giới. Đây được xem là biện pháp đột phá của giai đoạn đổi mới.

“Tôi cho rằng chương trình 480 tỷ USD là chuyện không tưởng. Nhưng chúng ta thêm biện pháp đột phá về ngòi bút nữa thôi là cải cách thể chế. Hiện nay doanh nghiệp tư nhân đang bị o ép bởi doanh nghiệp nhà nước. Bây giờ dùng ngoài bút để cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân, hoàn chỉnh hệ thống pháp lý, đầu tư công bằng… thì sẽ giúp nền kinh tế bùng phát và thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn”, ông Chí nói.

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm