Khống chế chi phí lãi vay 20%: Muốn siết doanh nhiệp “ngoại” lại làm khổ doanh nghiệp nội?

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã lên tiếng cho rằng Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam...

Các chuyên gia tham dự hội thảo.
Các chuyên gia tham dự hội thảo.

“Quy định chi phí lãi vay của doanh nghiệp là không phù hợp”

Tại Hội thảo “Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 14/12, hầu hết các ý kiến đều cho rằng nhiều điểm trong Nghị định này đang gây khó cho doanh nghiệp Việt.

Cụ thể theo ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có khá nhiều điểm chưa hợp lý, trong đó Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 gây nhiều tranh cãi nhất.

Theo đó khoản 3 điều 8 quy định "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp".

Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp.

“Quy định của Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ - con hiện đang phát triển mạnh ở nước ta. Nếu các doanh nghiệp không có động cơ chuyển giá, ví dụ như họ có quan hệ giao dịch vay vốn giữa công ty mẹ và công ty con, thuế suất của họ là bằng nhau, đều áp dụng một mức thuế suất phổ thông, không có ưu đãi thuế thì họ phải thuộc trường hợp không bị khống chế lãi vay theo Nghị định 20.

Còn nếu không phân định rõ mà khống chế lãi vay cả những trường hợp này, tất yếu sẽ tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế”, lãnh đạo Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.

Có ý kiến cho rằng khoản 3, điều 8, Nghị định 20 này là nhằm lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp, để các doanh nghiệp không đi vay nợ quá nhiều mà cần phải có vốn tự có. Tuy nhiên theo ông Nam, cách giải thích này cũng không thực sự thuyết phục.

Theo đó, ông Nam nếu quan điểm cho rằng, cơ quan quản lý thuế cần đánh giá đầy đủ các hiệu ứng tiêu cực từ quy định này gây ra như hạn chế khả năng liên kết, cản trở sự hình thành các tập đoàn tư nhân trong nước lớn, đủ sức cạnh tranh quốc tế như chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra theo vị này, Nghị định áp dụng chung cho cả doanh nghiệp của nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam với 2 chuẩn mực kế toán khác nhau và điều kiện hoạt động khác nhau, nếu áp dụng cùng công thức với tỷ lệ tính toán giống nhau sẽ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Trước những bất cập của Nghị định 20; Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết đã có ý kiến, đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ, đưa ra cơ sở việc khống chế mức trần chi phí lãi vay sẽ tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp có lợi nhuận thấp.

Đặc biệt, đối với các công ty trong giai đoạn đầu tư mới sẽ càng gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế.

Lợi đâu chưa thấy, đã thấy bất cập?

Theo TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì một trong các mục tiêu của Nghị định này là nhằm chống chuyển giá, tiến tới giảm rủi ro cho ngân hàng.

“Tuy nhiên, hai mục đích này gần như không đạt được. Trong khi đó, nó lại đem lại rất nhiều khó khăn cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ khó lớn lên”, ông Thành nhận xét.

Ông Thành cho rằng, cần có thời gian khoảng một năm để nghiên cứu, sửa đổi điểm bất cập tại Nghị định. Theo đó nên áp dụng và đưa chuẩn mực thông lệ quốc tế này vào áp dụng tại Việt Nam.

Đứng từ phía doanh nghiệp, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty địa ốc Hoàng Quân cho biết hầu hết các tập đoàn về bất động sản đều có công ty liên kết. Việc liên kết này còn diễn ra ở cá nhân, ở một dự án hay một sản phẩm.

Vì vậy theo ông Quân, các cá nhân cũng bị ảnh hưởng bởi Nghị định này. Chưa kể, một dự án cũng được tính vào quy định này. Khi hợp tác, doanh nghiệp bỏ vốn vào dự án cũng sẽ bị ảnh hưởng, điều đó khiến không ai dám bỏ vốn vào đầu tư dự án.

“Chúng ta rất mừng là Chính phủ đã khuyến khích các start-up. Nhiều hộ gia đình, cá thể đã chuyển sang mô hình start-up. Nhưng việc áp dụng Nghị định 20 sẽ khiến việc kêu gọi vốn gặp khó khăn. Các nhà đầu tư phải đặt cược rất lớn”, ông Tuấn nhận định.

Ông Tuấn cho rằng, việc dừng Nghị định là khó song vẫn kỳ vọng các các hiệp hội như Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội tư vấn Thuế, Hội Luật sư và các chuyên gia có kiến nghị tới Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, làm thế nào nhanh chóng sửa đổi và có thể áp dụng sửa đổi ngay trong kỳ quyết toán thuế 2018.

“Chúng tôi mong có sự thay đổi cho năm 2018 để các doanh nghiệp thật sự sống được, tồn tại được và hợp tác được với các doanh nghiệp FDI, đặc biệt có quy định, chính sách riêng cho những dự án nhà ở xã hội”, ông Quân nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam chia sẻ thêm, trong khi các doanh nghiệp FDI hầu như chẳng có phản ứng gì với quy định này thì các doanh nghiệp Việt kêu “tùm lum”.

“Doanh nghiệp FDI chuyển giá bằng giá đầu vào và đầu ra. Họ tính khống giá trị của nguyên vật liệu, trang thiết bị, phí chuyên gia… Ngay từ lúc kí hợp đồng liên doanh họ đã lãi rồi. Họ cũng ăn vào vào chuyển giá sản phẩm. Sản phẩm công ty liên doanh bán cho công ty mẹ rất rẻ để công ty mẹ bán ra thị trường quốc tế với giá đúng, từ đó thu lãi. Thế nên có thể nói Nghị định 20 không ảnh hưởng đến họ”, ông Nam nói.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam lại hầu như phải hứng chịu hệ lụy từ quy định khống chế chi phí lãi vay này, đặc biệt là các công ty kinh doanh trong lĩnh vực có hệ số đòn bẩy lớn như bất động sản, các doanh nghiệp khởi nghiệp hay đang muốn mở rộng đầu tư.

Nguyễn Khánh

Khống chế chi phí lãi vay 20%: Muốn siết doanh nhiệp “ngoại” lại làm khổ doanh nghiệp nội? - 2