Khống chế chi phí lãi vay: Doanh nghiệp bất động sản gửi kiến nghị lên Thủ tướng

(Dân trí) - Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) vừa có công văn gửi Thủ tướng kiến nghị xem xét cân nhắc về quy định khống chế chi phí lãi vay trong Nghị định 20.

Nhiều doanh nghiệp trong nước và FDI lo ngại về quy định khống chế chi phí lãi vay ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp trong nước và FDI lo ngại về quy định khống chế chi phí lãi vay ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo VNREA, tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 quy định “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế” đã tạo ra rào cản, gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Theo VNREA để tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, không nên quy định khống chế chi phí lãi vay, mà chỉ cần quy định về vốn tự có của doanh nghiệp như quy định tại Nghị định 43 quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Đất đai.

Trường hợp nếu vẫn áp dụng về khống chế chi phí lãi vay, VNREA đề xuất, chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết và cần có các hướng dẫn cụ thể rõ ràng hơn về đối tượng áp dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng pháp luật.

Công văn của VNREA cho biết, khi áp dụng quy định của Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ - con.

Cụ thể, trong các tập đoàn kinh tế, công ty mẹ sẽ có các hoạt động chính là đầu tư vào các công ty con thông qua việc góp vốn vào các công ty con. Công ty mẹ là đầu mối huy động vốn vay từ các nguồn vốn trong nước và nước ngoài để cho vay lại các đơn vị thành viên.

Để tránh rủi ro, các ngân hàng, các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ đánh giá tiềm lực tài chính của cả tập đoàn và thực hiện cho vay vốn đối với công ty mẹ thay vì cho vay trực tiếp vào công ty con sau đó công ty mẹ chuyển tiếp nguồn vốn vay cho công ty con vay để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Hơn nữa, Tập đoàn huy động vốn tập trung thông thường sẽ có mức lãi suất ưu đãi hơn, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì thế, việc đi vay và cho vay là hoạt động đặc trưng, thường xuyên và mang lại lợi thế của các tập đoàn.

“Quy định của Nghị định 20 tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế. Trường hợp nhằm chống việc chuyển giá giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, VNREA đề xuất quy định về khống chế chi phí lãi vay chỉ áp dụng đối với các khoản vay giữa các doanh nghiệp có mức lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay trung bình trên thị trường”, VNREA kiến nghị

Trước đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ (VBF 2018), báo cáo của Nhóm Công Tác Thuế/Hải Quan gửi lên Chính phủ Việt Nam cũng cho rằng, quy định về việc khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định 20 hiện nay vẫn còn một số bất cập và có thể gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước và cả doanh nghiệp FDI.

Nhóm Công tác đề xuất, quy định này có thể được điều chỉnh một cách mềm mỏng hơn như một số hướng dẫn trong OECD để phù hợp cho nhiều trường hợp khác nhau. Theo đó, có thể cho phép doanh nghiệp chuyển chi phí lãi vay sang kỳ sau khi chi phí lãi vay vượt mức khống chế theo Hành động 4 của BEPS.

Đồng thời, khuyến nghị, đồi với Tập đoàn hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con, có thể áp dụng tỷ lệ chi phí lãi vay với bên thứ ba / EBITDA trên báo cáo tài chính hợp nhất và áp dụng tỷ lệ cho từng công ty trong tập đoàn theo hướng dẫn của OECD để đảm bảo tổng chi phí lãi vay được trừ không vượt quá chi phí lãi vay thực tế trả cho bên thứ ba.

Báo cáo của các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, Nghị định 20 và Thông tư hướng dẫn 41, có hiệu lực từ năm 2017 đều dựa trên nguyên tắc định giá chuyển nhượng của OECD. Tuy nhiên, các quy định của Việt Nam khác với luật và thủ tục của OECD ở một khía cạnh quan trọng, thiếu cơ chế thỏa thuận xác định giá trước. Thay vào đó, các cơ quan thuế Việt Nam áp dụng giá của chính họ dựa trên cơ sở dữ liệu của họ.

"Điều này đã gây ra sự không ổn định và rủi ro lớn cho các doanh nghiệp bởi vì họ không biết trước được cơ quan thuế của Việt Nam cân nhắc mức giá nào là “thích hợp” và do đó phải chịu các khoản thanh toán không mong muốn kèm với hình phạt và lãi suất. Ngoài ra, khi doanh nghiệp được thông báo từ cơ quan thuế diễn giải về mức giá hợp lý, họ thường hoàn toàn không có cơ sở rõ ràng vì dữ liệu mà cơ quan thuế dựa trên kết luận của họ không được tiết lộ cho doanh nghiệp", nhóm các doanh nghiệp FDI cho biết.

Phương Dung

Khống chế chi phí lãi vay: Doanh nghiệp bất động sản gửi kiến nghị lên Thủ tướng - 2