Khối lượng tăng đột biến, xuất khẩu gạo vẫn "ảm đạm"

(Dân trí) - Do giá xuất khẩu gạo bình quân trong những tháng đầu năm giảm 7,4% xuống còn chưa tới 430 USD/tấn khiến dù tăng mạnh về khối lượng nhưng giá trị xuất khẩu gạo những tháng đầu năm vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2015 ước đạt 6,24 triệu tấn và 2,65 tỷ USD, tăng 3,6% về khối lượng nhưng giảm 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. 

Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2015 đạt 426,04 USD/tấn, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm, chiếm gần 35% thị phần. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang Nga có sự tăng trưởng đột biến, tăng gấp 2,02 lần về khối lượng và tăng 79,05% về giá trị.

Các thị trường khác đều giảm đột biến so với cùng kỳ năm 2014 như Phillipines (giảm 26,81% về khối lượng và giảm 33,4% về giá trị), Singapore (giảm 36,87% về khối lượng và giảm 34,64% về giá trị), Hồng Kông (giảm 30,37% về khối lượng và giảm 36,99% về giá trị) và Hoa Kỳ (giảm 32,56% về khối lượng và giảm 26,3% về giá trị).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lý giải, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm so với cùng kỳ liên tục trong 10 tháng và chỉ mạnh trở lại vào tháng 11 khi Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu với Phillipines (450 nghìn tấn) và Indonesia (1 triệu tấn). Hai hợp đồng này đã góp phần làm cho khối lượng xuất khẩu gạo tháng 10 và tháng 11 tăng gần gấp đôi so với các tháng trước đó.

Trung tâm Tin học và Thống kê dự báo khối lượng gạo xuất khẩu cả năm của Việt Nam năm 2015 dự kiến đạt 6,8 triệu tấn, cao hơn so với công bố trước đó.

Tuy vậy, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn, sau quý 1/2016, giá lúa gạo sẽ không lên cao được và có thể giảm nhẹ. IMF cũng dự báo giá gạo bình quân năm 2016 giảm 13% so với năm 2015, trong khi đó Ngân hàng Thế giới cho rằng, giá gạo sẽ giảm 2-3% trong những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nhìn nhận, xuất khẩu gạo vẫn chịu áp lực giảm giá khi mà lượng tồn kho của các nước đều cao hơn so với mọi năm.

Hiện, tồn kho gạo của Trung Quốc đang duy trì ở mức cao; tồn kho gạo của Thái Lan, Ấn Độ còn lớn trong khi đồng bath (Thái Lan) và rupee (Ấn Độ) phá giá mạnh.

Phương Dung

Khối lượng tăng đột biến, xuất khẩu gạo vẫn "ảm đạm" - 2