ĐBSCL:

“Khoảng trống” của lúa gạo Việt Nam!

(Dân trí) - Câu chuyện tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL đang trở thành đề tài nóng khi người nông dân bức xúc trước cảnh giá lúa vẫn tiếp tục giảm dù đã được mua tạm trữ và gần đây là cảnh báo chiêu “dìm” giá gạo của thương lái Trung Quốc!

Đừng “tự bắn vào chân  mình”!

Thật ra trong 3 năm trở lại đây số lượng gạo Việt Nam (VN) xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm số lượng khá lớn. Không thể phủ nhận việc thị trường Trung Quốc “ăn hàng” gạo của VN đã góp phần vào khâu tiêu thụ lúa gạo trong bối cảnh thị trường gạo trên thế giới cạnh tranh khốc liệt.

Cần kiểm soát giá đầu vào và chính sách khoán sức dân hợp lý
Cần kiểm soát giá đầu vào và chính sách khoán sức dân hợp lý

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Tuy nhiên, từ tháng 8/2014, Trung Quốc đóng cửa nhập khẩu gạo tiểu ngạch (giao dịch hàng hóa nhỏ lẻ)  khiến cho tình hình xuất khẩu gạo của VN qua biên giới nước này giảm mạnh. Không thể tiêu thụ được gạo, VN đã phải triển khai chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo từ đầu tháng 3 vừa qua.

Từ đầu tháng 3/2015, Trung Quốc đã nới lỏng nhập khẩu gạo tại các cửa khẩu, nhiều doanh nhân Trung Quốc đã liên hệ với nhà cung cấp trong nước để ký hợp đồng mua bán gạo trở lại. Hiện giá bán gạo cho Trung Quốc khoảng 360-370 USD/tấn loại 5% tấm, tương đương với giá gạo chào bán của VN trên thị trường thế giới.

Chuyện cảnh giác giới lái buôn gạo Trung Quốc “giở chiêu trò” là không bao giờ thừa. “Thật sự khó hiểu các doanh nghiệp Việt Nam “dễ dãi” đến mức để doanh nghiệp Trung Quốc vào tận kho chứa gạo để kiểm tra gạo. Rồi mới quyết định mua hay không” – một doanh nghiệp có “miệng lưỡi” cho biết.  

Chủ một doanh nghiệp lúa gạo ở ĐBSCL cũng cho biết: “Chuyện thận trọng với thị trường xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đã liên tục được cảnh báo. Điều quan trọng hiện nay là các biện pháp kiểm soát lượng gạo xuất theo đường tiểu ngạch sao cho có quy nếp. Tránh trường hợp để các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh “tự bắn vào chân mình”, làm yếu vị thế của hạt gạo Việt Nam”.

Giải pháp “tình thế” thành “thường niên”!

Ở đây, xin đề cập đến vấn đề giải quyết đầu ra cho 9 triệu tấn lúa, tương đương 4,5 triệu tấn gạo hàng hóa trong vụ đông xuân ở ĐBSCL. Đây là vấn đề mấu chốt để giữ giá lúa ổn định và có lợi cho nông dân.

Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa trong nỗi lo rớt giá
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa trong nỗi lo rớt giá

Mới đây, một lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng: “Giải pháp mua tạm trữ chỉ là giải pháp tình thế can thiệp thị trường”. Điều căn cơ là làm sao đầu ra hạt lúa ổn định, phải tính toán được “chi tiết” thu nhập nông dân trồng lúa. Và điều trớ trêu là giải pháp “tình thế” ấy trở thành giải pháp “thường niên” khi thị trường lúa gạo “chao đảo”!

Không thể phủ nhận vai trò tích cực của việc thu mua lúa tạm trữ trong những năm qua. Cái lợi của việc thu mua tạm trữ lúa – gạo là doanh nghiệp được vay vốn, hỗ trợ lãi suất. Khi doanh nghiệp triển khai thu mua tạm trữ nghĩa là có nhu cầu tiêu thụ lúa, giá lúa sẽ được ổn định. Việc vào vụ thu hoạch rộ, giá lúa giảm là điều tất nhiên của “cung” và “cầu”: số lượng người có nhu cầu bán tăng vọt. Doanh nghiệp chậm hoặc “ngưng” thu mua 1-2 tuần giá sẽ rớt thê thảm.

Có ý kiến cho rằng, thu mua tạm trữ là “bầu sữa” để các doanh nghiệp bám víu. Ý kiến này hoàn toàn có cơ sở, vì vấn đề phân bổ chi tiêu mua tạm trữ luôn có “cạnh tranh”! Trên thực tế, câu chuyện mua tạm trữ lúa là một giải pháp hữu hiệu để bình ổn giá lúa. Vì dù có triển khai thu mua tạm trữ hay không, doanh nghiệp vẫn phải mua lúa để có “chân hàng” chờ tìm kiếm đối tác xuất khẩu. Nhưng số lượng sẽ bị hạn chế thay vì được phân bổ chỉ tiêu tạm trữ.

Gần đây, nhiều nghị định, quy chế do các ngành hữu quan đề ra với mục đích tăng thêm trách nhiệm của doanh nghiệp với nông dân trồng lúa như: phải có vùng nguyên liệu, hợp đồng bao tiêu, nhà kho, hệ thống chế biến… Đây là điều đúng ra phải làm hơn 10 năm trước nhưng đến nay mới bắt đầu triển khai.

Một số chuyên gia lúa nghiên cứu về tình hình kinh doanh - xuất khẩu gạo của Việt Nam cho rằng, trong hơn 2 thập niên qua, Việt Nam chưa có những phân tích thị trường lúa gạo quốc tế một cách bài bản, chưa xác định đối thủ cạnh tranh nào trong lĩnh vực lúa gạo!?
 
Vì thế có ý kiến cho rằng, trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiện nay cần tái cơ cấu Hiệp hội Lương thực Việt Nam(VFA)! “Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng phải tổ chức “buôn có bạn bán có phường” không để tình trạng cạnh tranh giá không lành mạnh tiếp diễn” – câu nhắc nhở của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến làm việc với lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, hẳn cũng đề cập đến vai trò của VFA!
 
Vĩnh Tường - Phạm Tâm
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”