1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Khoản "lương khô" bất ngờ giúp ACB báo lãi kỷ lục

Việt Đức

(Dân trí) - Nguồn thu từ hoạt động kinh doanh không cải thiện nhiều so với cùng kỳ, thậm chí còn có khoản lỗ 200 tỷ đồng quý II vì mua bán chứng khoán, lợi nhuận của ACB vẫn tăng 50% nhờ một "khoản lương khô".

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã chứng khoán: ACB) vừa công bố lợi nhuận quý II tăng trưởng 50% đạt hơn 4.900 tỷ đồng, con số kỷ lục với nhà băng này. Tuy nhiên, lợi nhuận của ACB đi lên không phải từ tăng trưởng thu nhập của các hoạt động kinh doanh chính.

Lỗ hơn 200 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán; lãi từ vàng, ngoại hối sụt giảm

Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ACB quý vừa qua đạt hơn 5.600 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2021. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng hơn 10%, đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Trong khi hai nguồn thu quan trọng nhất của ngân hàng cùng tăng nhẹ, phần lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, vàng của ACB sụt giảm gần 40%. Cùng với đó, ngân hàng còn lỗ hơn 200 tỷ đồng liên quan nghiệp vụ mua bán chứng khoán.

Khoản lương khô bất ngờ giúp ACB báo lãi kỷ lục - 1

(Biểu đồ: Việt Đức).

Tổng kết lại, tổng thu nhập hoạt động của ACB đạt hơn 6.900 tỷ đồng trong quý II, chỉ tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó, chi phí hoạt động của ngân hàng tăng đến hơn 40% khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước khi trích lập dự phòng của ACB chỉ đi ngang so với quý II năm trước, đạt hơn 4.600 tỷ đồng.

Khoản "lương khô" giúp ngân hàng báo lãi kỷ lục

Tuy nhiên, ACB không phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong quý vừa qua mà còn hoàn nhập gần 300 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm ngoái, ACB là một trong những ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng nhất. Vào cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này chưa đến 0,8% nhưng tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLR) của nhà băng này đã lên đến hơn 200%. 

Nhờ khoản "lương khô" là phần trích lập lớn vào năm 2021, trong cả hai quý đầu năm nay, ngân hàng bắt đầu hoàn nhập dự phòng, giúp lợi nhuận tăng mạnh. Sau 6 tháng, lợi nhuận trước thuế đã đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 40% so với cùng kỳ 2021. 

Đến hết tháng 6, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 544.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay đạt hơn 395.000 tỷ đồng, tăng 9% sau nửa năm. Ngược lại, huy động tiền gửi của ngân hàng chỉ tăng 2%, đạt hơn 388.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm ngày 30/6 khoảng 0,76%, không chênh lệch so với hồi đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu dù thấp hơn cuối năm 2021 sau khi hoàn nhập dự phòng nhưng vẫn ở mức 185%.

Năm nay, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 15.000 tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng này đã hoàn thành 60% kế hoạch kinh doanh sau một nửa thời gian.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ACB đóng cửa phiên 28/7 ở mức 24.450 đồng/cổ phiếu. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ACB mất hơn 10% giá trị, thấp hơn mức giảm 20% của VN-Index.

Đáng chú ý, theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), ACB có thể là ngân hàng đầu tiên sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong nhiều năm qua. VCSC cho biết ACB đã đề xuất mức cổ tức 1.000 đồng/cổ phiếu cho năm tài chính 2022. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn nhắc nhở các ngân hàng ưu tiên chia cổ tức bằng cổ phiếu, giữ lại lợi nhuận để tăng hệ số an toàn vốn (CAR).