Sacombank báo lãi kỷ lục, nợ xấu tăng

Nhật Quang

(Dân trí) - Lũy kế 9 tháng, Sacombank báo lãi trước thuế hơn 6.840 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ, cũng là mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi ngân hàng này công bố báo cáo.

Theo báo cáo tài chính quý III/2023, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB) báo lãi trước thuế 9 tháng đạt 6.840 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, tính riêng quý III, đa phần các mảng kinh doanh của ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ. Trong đó, mảng kinh doanh cốt lõi là thu nhập lãi thuần đạt 4.851 tỷ đồng, giảm gần 16%.

Hoạt động dịch vụ đem về khoản lãi 719 tỷ đồng, giảm 30%. Hoạt động khác thu về 30 tỷ đồng, giảm 26%.

Ở hướng ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi gần 300 tỷ đồng, tăng 36%. Mảng mua bán chứng khoán đầu tư lãi 16 tỷ đồng, trong khi quý III/2022 lỗ 2,2 tỷ đồng.

So với cùng kỳ, chi phí hoạt động quý III đi ngang ở mức 3.015 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng ghi nhận 826 tỷ đồng, giảm 66%. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế quý III đạt hơn 2.085 tỷ đồng, tăng 36%.

Lũy kế 9 tháng, ngân hàng báo lãi trước thuế 6.840 tỷ đồng, tăng 54%. Theo kế hoạch lãi trước thuế 9.500 tỷ đồng đề ra hồi đầu năm, Sacombank đã thực hiện 72% kế hoạch.

Theo số liệu báo cáo, lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm nay ghi nhận mức lãi cao nhất kể từ khi ngân hàng này công bố báo cáo từ năm 2008. Năm 2016 ghi nhận mức lợi nhuận thấp kỷ lục chỉ vỏn vẹn 155 tỷ đồng.

Nợ xấu gấp 2,4 lần đầu năm

Tổng tài sản tính đến ngày 30/9 tăng 10% so với đầu năm lên hơn 651.288 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 472.073 tỷ đồng, tăng 7,6% so với số đầu năm. Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng 18,5% lên hơn 6.670 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu ghi nhận hơn 10.387 tỷ đồng, gấp 2,4 lần thời điểm ngày 31/12/2022. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) gấp 5,2 lần lên hơn 2.961 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) gấp 4,3 lần lên 3.198 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 40% lên 4.227 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh 1,22 điểm % lên hơn 2,2%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 130% xuống còn 64%.

Lượng tiền gửi khách hàng ghi nhận 507.833 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền gửi không kỳ hạn nhích tăng nhẹ chiếm tỷ trọng 17% tổng lượng tiền gửi đạt mức 86.215 tỷ đồng.