1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

"Choáng" trước mục tiêu lãi tăng dựng đứng của VPBank

Văn Hưng

(Dân trí) - VPBank đặt mục tiêu lãi trước thuế 29.662 tỷ đồng trong năm nay, chỉ xếp sau Vietcombank trong hệ thống ngân hàng. Lãnh đạo nhà băng nói làm được.

Phát biểu tại đại hội thường niên, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã cổ phiếu: VPB), cho biết năm 2021, ngân hàng chỉ đạt 86% kế hoạch lợi nhuận đề ra từ phiên đại hội trước, tương đương 14.364 tỷ đồng.

"Hoạt động kinh doanh của FE Credit bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, lợi nhuận theo kế hoạch là hơn 4.000 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ đạt 400 tỷ đồng, đồng thời cũng ảnh hưởng từ việc ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng", ông Vinh lý giải.

Sang năm 2022, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 29.662 tỷ đồng, tăng tới 107% so với năm ngoái. Đáng chú ý, kế hoạch lợi nhuận của VPBank đứng thứ 2 trong toàn hệ thống ngân hàng, chỉ xếp sau kỳ vọng của Vietcombank (30.675 tỷ đồng).

Chia sẻ với nhà đầu tư, ông Vinh cho biết mục tiêu lợi nhuận của VPBank dựa trên kỳ vọng nhu cầu của nền kinh tế sẽ hồi phục tốt và bản thân nhà băng có khả năng đáp ứng tăng trưởng cao.

Choáng trước mục tiêu lãi tăng dựng đứng của VPBank - 1

(Biểu đồ: Văn Hưng).

Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng bổ sung, việc đạt được mục tiêu lợi nhuận không hoàn toàn phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng mà còn có các nguồn thu khác như thu từ phí, hoạt động dịch vụ... Việc tăng trưởng tín dụng chủ yếu ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm sau thay vì năm nay. 

"Kế hoạch lợi nhuận năm nay hoàn toàn khả thi và ban điều hành sẽ phấn đấu thực hiện", ông Dũng nói.

Thực tế trong quý I, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt 11.146 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước - mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà nhà băng này ghi nhận được từ trước đến nay, góp phần đưa vốn chủ sở hữu vượt lên trên 95.000 tỷ đồng và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt trên 15%.

Bên cạnh việc tự tin đạt mục tiêu lợi nhuận, VPBank cũng lên kế hoạch tăng tổng tài sản thêm 27,4%, lên 697.413 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 27,8% lên 413.060 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 35% lên 518.440 tỷ đồng.

Cũng tại phiên họp, nhà đầu tư quan tâm đến việc VPBank mua lại công ty bảo hiểm OPES và Công ty chứng khoán VPBank Securities. Về vấn đề này, lãnh đạo ngân hàng thông tin nằm trong chiến lược chung của VPBank trong việc xây dựng hệ sinh thái.

Với OPES, VPBank có kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu dần lên 100%, đưa công ty bảo hiểm này trở thành công ty con của ngân hàng, từ đó có cơ sở trao đổi thông tin, cùng nhau xây dựng các sản phẩm để bán chéo.

Còn với VPBank Securities, công ty chứng khoán sẽ là một trong những mảng tạo động lực tăng trưởng tốt trong các năm tới, một mắt xích trong chiến lược đầu tư của ngân hàng.