Khoán kinh phí đi xe công cho 6 Thứ trưởng Tài chính: Nhiều rắc rối

(Dân trí) - Như Dân trí đã đưa tin, Bộ trưởng Tài chính vừa ra quyết định khoán kinh phí sử dụng xe công với các chức danh Thứ trưởng, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) trực thuộc bộ. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội đã trả lời phỏng vấn của Dân trí về vấn đề này.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương:Chính sách khoán kinh phí sử dụng xe công của Bộ Tài chính là đáng ghi nhận

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương:"Chính sách khoán kinh phí sử dụng xe công của Bộ Tài chính là đáng ghi nhận"

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về quyết định trên của Bộ trưởng Tài chính?

-Trước tiên tôi đánh giá cao về mục đích của quyết định này. Bộ Tài chính là cơ quan có trách nhiệm cao nhất về quản lý, sử dụng xe công của toàn bộ các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương và là cơ quan xây dựng chính sách, tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách. Sau nhiều bất cập trong việc mua sắm, sử dụng xe công trong thời gian qua, đến nay, Bộ đã đề ra chính sách này và làm gương trong việc áp dụng là điều đáng được ghi nhận.

Tôi cũng đã đọc qua bản quyết định của Bộ trưởng Tài chính và cũng thấy có vẻ như Bộ Tài chính cũng đã có nghiên cứu, chuẩn bị nhất định cho việc này. Cụ thể như việc khoán kinh phí sử dụng xe công cho 6 Thứ trưởng thì Bộ cũng xây dựng mức khoán rất cụ thể, người gần 4 triệu, người gần 10 triệu đồng/tháng dựa trên tính toán khoảng cách từ nhà đến công sở chứ không cào bằng. Cái đó tôi đánh giá cao.

Nếu sau đây, chính sách này được áp dụng có hiệu quả và được thực hiện rộng rãi hơn ở nhiều Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị khác, ở các địa phương tôi nghĩ là sẽ rất tốt, có thể giảm được đáng kể chi phí mua sắm, sử dụng xe công hàng năm. Tất nhiên, để thực hiện được sẽ phải có nhiều điều chỉnh cho thực sự có tính khả thi cao.

Với mức kinh phí được khoán như vậy, theo ông, đã phù hợp chưa, có đủ sức hấp dẫn, khuyến khích Bộ, ngành, địa phương áp dụng không?

-Mức khoán đó theo tôi không phải là cao. Trước đây, Văn phòng Quốc hội cũng đã từng áp dụng mức khoán tới 10 triệu đồng/tháng nhưng cũng chỉ có 1-2 người đăng ký. Sau rồi cũng không đủ hấp dẫn và có nhiều phiền phức khi sử dụng phương tiện khác: Như đi taxi vào các cơ quan Đảng, Nhà nước thì bảo vệ không cho vào, lại đi bộ quãng xa nên người ta cũng bỏ. Với mức khoán đó hiện nay, có người nói là ví dụ như đi Uber Black (9000 đồng/km) thì đã có xe phục vụ rất tốt vì loại xe dạng này có giá trị cao, sạch sẽ. Nhưng thực tế, sẽ vẫn có những rắc rối nhất định.

Cụ thể là sẽ có những rắc rối nào phát sinh mà theo ông, lãnh đạo Bộ Tài chính phải giải quyết, nếu muốn chính sách này khả thi, áp dụng tốt trên thực tế?

-Thì như tôi đã nói, sẽ vẫn có rắc rối là nếu anh không còn được xe biển xanh phục vụ đi từ nhà riêng đến cơ quan và chiều ngược lại thì thực tế, nếu một Thứ trưởng sáng đi họp ở Chính phủ, nếu từ nhà đến Chính phủ lại gần hơn là đến cơ quan. Mà đến cơ quan mới có xe công đưa đi họp thì lại thành ra phải đi đường xa hơn, mất nhiều thời gian đi lại.

Còn nếu anh đi từ nhà đến thẳng nơi họp như Quốc hội, Văn phòng Chính phủ dự họp mà đi xe tư thì đến các cơ quan đó, bảo vệ không cho xe tư, xe taxi vào mà anh lại phải dừng, đi bộ từ xa vào thì không hay. Rồi còn đội lái xe chuyên phục vụ ở Bộ nay không còn phục vụ riêng các Thứ trưởng nay chuyển sang phục vụ chung như thế nào, cũng là điều phải tính.


Việc khoán xe công nếu được áp dụng sẽ giảm bớt kinh phí mua sắm, quản lý xe công từ ngân sách nhà nước. Ảnh: M.Q

Việc khoán xe công nếu được áp dụng sẽ giảm bớt kinh phí mua sắm, quản lý xe công từ ngân sách nhà nước. Ảnh: M.Q

Vẫn có thể giải quyết các rắc rối trên, khi áp dụng chính sách khoán kinh phí xe công, có thể có những Công ty dịch vụ chuyên chở lãnh đạo được khoán kinh phí sử dụng xe công như ở một số nước, thưa ông?

-Cũng có thể, nếu cơ quan nhà nước như Bộ Công an hay Bộ Nội vụ cấp cho những xe chuyên làm dịch vụ đó giấy tờ hay mào, biển hiệu nào đó để họ có thể ra vào cơ quan Nhà nước. Nhưng thực sự cũng không đơn giản. Sẽ có nhiều tình huống phát sinh trên thực tế như đi công tác ngoại tỉnh thì thuê xe của một công ty dịch vụ đó đâu có dễ. Anh có thể thuê 1 xe đưa đi tỉnh A nhưng cũng khó để xe đó ở lại mấy ngày để đưa đi chỗ này, chỗ kia và nếu để xe đó về rồi lại gọi để xuống đón thì cũng không đơn giản.

Nhưng nếu cứ vì những khó khăn như vậy mà không có giải pháp nào mới, chấn chỉnh tình trạng mua sắm, sử dụng xe công lỏng lẻo, tuỳ tiện như vừa qua thì cũng không ổn, thưa ông?

-Chính vì vậy tôi mới đánh giá rằng, việc Bộ Tài chính đưa ra chính sách trên là rất đáng trân trọng, hoan nghênh. Nhưng cũng cần tính đến những phát sinh, bất cập trên thực tế để có giải pháp tổng thể, khoa học, hợp lý để chính sách này khả thi, có thể rút kinh nghiệm, sửa đổi cho hợp lý để triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Mạnh Quân (thực hiện)