Khó tìm shipper vận chuyển nội thành, phí ship tăng ngày cận Tết
(Dân trí) - Những ngày sát Tết, việc tìm shipper vận chuyển nội thành gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc phí ship tăng, các shipper vận chuyển khá lâu và thường từ chối ứng trước tiền COD.
Phí ship tăng nhẹ nhưng khó tìm người nhận cuốc
Hà Nội hôm nay chìm trong sương mù với tầm nhìn chỉ vài mét. Ngọc Anh - chủ cửa hàng thời trang mẹ và bé - cho biết đây là ngày cô khốn khổ nhất trong việc tìm shipper vận chuyển hàng nội thành.
Giống như hầu hết các chủ shop khác, Ngọc Anh đã tạm ngừng nhận đơn ở các tỉnh thành khác từ ngày 21 tháng Chạp. Tại Hà Nội, cô vẫn tiếp tục bán hàng, dự kiến sẽ bán hết ngày 27 Tết.
Tuy nhiên, mới tới ngày 23, Ngọc Anh nói: "Khéo năm nay phải nghỉ sớm, phí vận chuyển nội thành Hà Nội mấy cây số mà 70.000-80.000 đồng thế này thì ai mua".
Theo chia sẻ, với quãng đường 7km, phí ship trên ứng dụng Be rẻ nhất, từ 65.000 đồng khuyến mại còn 49.000 đồng. Trong những ngày cận Tết, Be cũng là ứng dụng có nhiều mã giảm giá nhất cho khách hàng. Tuy vậy, với ứng dụng này, người bán cần yêu cầu người mua chuyển khoản trước bởi hầu hết tài xế Be đều không nhiệt tình trong việc ứng trước tiền trả (ship cod).
Cũng với quãng đường trên, ứng dụng XanhSM có mức phí tương tự, 50.000 đồng. Tuy nhiên, vào những ngày cận Tết, rất khó để tìm được tài xế XanhSM nhận cuốc dù vị trí gửi hàng nằm ở trung tâm Hà Nội.
Với ứng dụng Grab, phí vận chuyển 6km là 58.000 đồng song gần như dễ đặt và nhanh có tài xế nhận hàng nhất trong tất cả đơn vị vận chuyển nội thành.
Mức phí vận chuyển cao nhất trong những ngày gần Tết là ứng dụng Ahamove. Với quãng đường 6km, mức phí là 78.000 đồng, không có mã giảm giá. Điểm cộng của Ahamove là đông tài xế, nhanh nhận chuyến, ứng tiền đầy đủ và chấp nhận vận chuyển hàng cồng kềnh (có thu thêm phí).
So với những ngày thường, ngày cận Tết, phí vận chuyển cao hơn từ 5.000 đồng tới 8.000 đồng/cuốc. Tài xế nói những ngày sát Tết như 28, 29, 30 Tết, mức chênh khoảng 15.000-20.000 đồng. Trên các ứng dụng thường có dòng giải thích với nội dung "do nhu cầu vận chuyển tăng nên cước vận chuyển sẽ tăng cao".
Ngọc Anh cho rằng những ngày gần Tết, việc vận chuyển gặp khá nhiều rủi ro, từ việc lâu gửi tới tay khách hàng, đến việc shipper làm mất hàng. Do vậy, nếu có thể, các cửa hàng hãy nhờ người nhà hỗ trợ ship những nơi gần nhà, phạm vi 5km trở lại.
Nếu được, các cửa hàng có thể tìm những shipper cố định, trả lương theo tháng và có cam kết, ràng buộc về hợp đồng lao động và các giấy tờ tùy thân cần thiết. Với những shipper này, người bán có thể phần nào tin tưởng giao các đơn hàng và có thể ship được tới những ngày sát Tết.
Phí ship đắt, không chủ động thời gian
Ở cương vị người mua, Thảo Hương cho biết những ngày này, ngồi đợi shipper tới rất tốn thời gian. 8h sáng ngày 23 tháng Chạp, Hương đặt mua một bộ xoong, chảo mới để đón Tết. Cửa hàng hẹn 9h bắt đầu giao hàng. Tuy nhiên, tới 13h, cô vẫn chưa nhận được hàng dù cửa hàng chỉ cách nhà 4km. Shipper cho biết họ ghép dồn đơn, nên không thể trả lời chính xác khi nào sẽ giao hàng tới.
"Ngày Tết rất bận mà cứ phải ngồi nhà chờ đợi. Không chờ thì sợ shipper không giao lại, phí ship thì đắt mà không chủ động được", Hương nói.
Thảo Hương cho rằng nếu có thể, mọi người hãy tự di chuyển tới điểm mua hàng. Còn nếu bắt buộc phải tìm người vận chuyển, hãy hỏi trước cửa hàng đó là hình thức vận chuyển siêu tốc hay vận chuyển trong 2 giờ hoặc 4 giờ để có thể chủ động thời gian.
Ngoài ra, cô khuyên mọi người nên tổng hợp tất cả những món đồ cần mua và ghé các trung tâm thương mại hoặc siêu thị lớn để mua trong một lần, thay vì đặt vận chuyển. Việc này vừa tiết kiệm phí ship, vừa tiết kiệm thời gian so với việc mua hàng lẻ tẻ.
Những ngày qua, vận chuyển trì trệ, phí tăng cao, shipper giao hàng chậm là câu chuyện nóng, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các cửa hàng và nhu cầu tiêu dùng của người mua hàng. Dù đây là chuyện không mới, các ứng dụng giao hàng ngày một nhiều nhưng việc giao hàng chậm trễ vẫn luôn xảy ra vào dịp cuối năm và chưa hề được cải thiện.