TPHCM: Mỗi kg thịt "cõng" 30.000 đồng phí vận chuyển

Đại Việt

(Dân trí) - Cước phí vận chuyển nội thành TPHCM đang khá đắt đỏ, nhất là việc vận chuyển hàng hóa liên quận, huyện bởi người kinh doanh phải sử dụng xe tải để giao hàng, phân phối hàng.

TPHCM: Mỗi kg thịt cõng 30.000 đồng phí vận chuyển - 1

Tiền vận chuyển hàng hóa tại TPHCM trong thời gian qua luôn giữ ở mức cao (Ảnh minh họa: Đại Việt).

Chị Lưu Thị Dung (ngụ Phường 11, Quận 3) - cho biết, cách đây 2 ngày, chị phải trả 150.000 đồng tiền phí vận chuyển cho 5kg thịt heo mua qua mạng. Người bán ở Quận 12 cách nhà chị hàng chục km đã khiến chi phí vận chuyển tăng mạnh.

"Dù giá thịt heo tôi mua ở Quận 12 rẻ hơn so với thị trường, nhưng mỗi ký thịt lại "cõng" thêm 30.000 đồng tiền vận chuyển. Bình thường, khi đặt 5kg thịt tôi chỉ mất khoảng 80.000 đồng phí giao hàng" - chị Dung chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Tuyền (ngụ Quận 10) cho hay, gia đình chị vừa nhận 2 thùng hàng của người thân gửi từ quê vào. Chi phí vận chuyển từ Quảng Nam vào TPHCM là 380.000 đồng. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển từ Bến xe An Sương (Quận 12) đến Quận 10 là 500.000 đồng.

Theo chị Tuyền, mỗi thùng xốp người thân của chị gửi vào nặng khoảng 20kg nhưng phí vận chuyển là quá đắt, nhất là phí giao hàng trong nội thành TPHCM. Mức phí này đắt gấp 2,5 lần so với bình thường.

TPHCM: Mỗi kg thịt cõng 30.000 đồng phí vận chuyển - 2

Mỗi thùng xốp có giá vận chuyển liên quận lên tới vài trăm ngàn đồng (Ảnh: Đại Việt).

Bà Huyền Trân - đại diện một công ty kinh doanh thực phẩm tại TP Thủ Đức chia sẻ, giá cước vận chuyển hàng hóa tại TPHCM vẫn còn rất cao. Do đó, bà chỉ nhận đơn hàng có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Với những đơn hàng này, bà sẽ miễn phí tiền vận chuyển cho khách.

Theo bà Trân, doanh nghiệp đang sử dụng xe tải làm loại phương tiện chính để giao hàng nên có thể giao hàng liên quận. Bộ phận giao hàng cũng là nhân viên của công ty nên giá cước là do doanh nghiệp tự cân đối và quyết định.

Cũng theo bà Trân, giá cước vận chuyển của công ty vẫn ở mức cao là do doanh nghiệp đang phát sinh nhiều chi phí vận hành.

Cụ thể, giá thuê tài xế xe tải, người giao hàng (shipper) đều cao hơn so với bình thường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải gồng gánh thêm chi phí phòng chống dịch, xét nghiệm cho nhân viên giao hàng, những chi phí này đã khiến phí vận chuyển tăng cao.

Thống kê của Sở Công Thương TPHCM cho biết, hiện số lượng shipper đang hoạt động tại thành phố là khoảng 10.000 người, chỉ bằng 50% so với số lượng đăng ký. Tuy nhiên, các shipper đều hoạt động tích cực với khối lượng công việc rất lớn. Bình quân mỗi ngày, lực lượng shipper tại thành phố vận chuyển hơn 152.400 đơn hàng.

Trước nhu cầu giao hàng lớn của người dân, TPHCM cũng đã cho phép đội ngũ shipper hoạt động trong phạm vi một quận, huyện, TP Thủ Đức được làm việc đến 21h hằng ngày. Điều này đã giúp cho tài xế và các ứng dụng giao hàng có thêm doanh thu từ việc vận chuyển hàng hóa cho người dân.

Thực tế cho thấy, hiện giá cước vận chuyển hàng hóa liên quận tại TPHCM đã lên "đỉnh" thì giá cước vận chuyển từ các địa phương khác đến thành phố lại không có nhiều biến động.

TPHCM: Mỗi kg thịt cõng 30.000 đồng phí vận chuyển - 3

Doanh nghiệp vận tải lớn gặp nhiều khó khăn sau thời gian dài doanh thu "lao dốc" vì đơn hàng giảm mạnh (Ảnh: Đại Việt).

Cũng liên quan đến dịch vụ vận chuyển hàng hóa, với các doanh nghiệp vận tải chuyên nghiệp, thời gian qua vô cùng khó khăn và thử thách.

Đại diện một số doanh nghiệp vận tải tại TPHCM cho biết, sau gần 2 năm chống chọi với dịch bệnh thì "sức khỏe" của các doanh nghiệp đang rất yếu ớt. Doanh thu giảm, đơn hàng giảm nhưng các chi phí như nhiên liệu, phí cầu đường, lãi suất ngân hàng… không được hỗ trợ nhiều.

Trong 4 tháng qua, TPHCM siết chặt hơn các quy định phòng chống dịch cũng khiến doanh nghiệp "gồng gánh" thêm nhiều chi phí như "3 tại chỗ", xét nghiệm cho nhân viên… Điều này càng khiến doanh nghiệp "rối như tơ vò" và nhiều công ty đã phải tạm ngừng hoạt động.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, nếu các đơn vị liên quan không chung tay tiết giảm các chi phí cho doanh nghiệp thì rất khó để phục hồi.

Các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước đưa ra các gói hỗ trợ thiết thực, những chính sách cụ thể để giúp doanh nghiệp vươn lên trong khó khăn. Bởi, khi các doanh nghiệp logistics rút khỏi thị trường thì cũng ảnh hưởng rất lớn đến nhiều ngành nghề khác, tạo nên sự đứt gãy, đổ vỡ hàng loạt như hiệu ứng Domino.

Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết - hiện nay, chi phí vận chuyển thịt heo, thịt gà… từ các tỉnh về TPHCM không có nhiều thay đổi.

Cụ thể, mỗi chuyến xe tải chở hàng từ Đồng Nai về TPHCM có giá khoảng 2,8 triệu đồng, không hề tăng so với trước. Nguyên nhân khiến giá cước không tăng là vì giá thuê tài xế vẫn như cũ, giá nhiên liệu không có nhiều biến động. Doanh nghiệp chỉ phát sinh chi phí xét nghiệm Covid-19 cho tài xế là 300.000 đồng/lần nhưng chi phí này là không đáng kể và doanh nghiệp có thể chủ động cân đối.

Cũng theo ông Đoán, sở dĩ giá thuê tài xế mùa dịch tại các tỉnh không tăng là do nhiều bác tài đang tạm nghỉ ở nhà nên nguồn lao động này khá dồi dào. Một bộ phận bác tài lái xe khách, xe buýt, xe chở công nhân chuyển qua lái xe tải trong mùa dịch cũng khiến giá thuê tài xế rất cạnh tranh.