Kho nhôm Trung Quốc 4,3 tỷ USD "đội lốt" hàng Việt: Có được tiêu thụ ở Việt Nam?
(Dân trí) - Thông tin mà phóng viên Dân Trí có được, kho nhôm 4,3 tỷ USD xuất xứ Trung Quốc đội lốt thương hiệu Việt chờ xuất đi Mỹ hiện vẫn chưa có hướng xử lý và khó có thể được tiêu thụ ở Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Dân Trí, ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), số nhôm nói trên không tiêu thụ trong nước mà nhập kinh doanh nên giờ xử lý để tiêu thụ trong nước cũng khó được chấp thuận.
Ông này cho biết, toàn bộ số hàng trên vẫn đang nằm ở kho ngoại quan được canh phòng rất nghiêm ngặt bởi cơ quan chức năng của Việt Nam và được giám sát bởi cả phía Mỹ.
Trước đó vào tháng 5/2016, làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn nhôm Toàn Cầu khai nhập khoảng 1,5 triệu tấn nhôm trị giá hàng tỉ USD từ Trung Quốc về Việt Nam để sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, sau đó lực lượng chức năng gồm hải quan, Bộ Công Thương đã vào cuộc kiểm tra phát hiện số lượng lớn nhôm là nhôm thanh, nhôm thỏi thành phẩm.
Cuối năm 2016, tờ The Wall Street Journal đã có bài điều tra về 500.000 tấn nhôm của công ty thuộc quyền sở hữu tỷ phú nhôm Trung Quốc bỗng dưng không cánh mà bay khỏi Mexico và bất thình lình xuất hiện ở kho ngoại quan của Vũng Tàu - Việt Nam.
Cùng thời điểm này, cơ quan hải quan Việt Nam đã phát hiện các dấu hiệu nhập khẩu lượng lớn nhôm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn nhôm Toàn Cầu có dấu hiệu vi phạm các quy định về nguồn gốc xuất xứ.
Tháng 5/2017, đoàn kiểm tra của ba Bộ: Tài Chính, Công Thương và Kế hoạch và Đầu tư đã vào kiểm tra kho nhôm của Hoàn Cầu theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng để làm rõ thông tin vận chuyển số nhôm có nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Doanh nghiệp này sau đó làm đơn nói rõ việc liên tục bị kiểm tra của các bộ, ngành chức năng đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Công ty này đề nghị chỉ sử dụng một kết luận do đoàn kiểm tra của Tổng cục Hải quan làm căn cứ đánh giá thông tin về số nhôm vận chuyển từ Trung Quốc và mong không phải tiếp các cuộc thanh tra nào tại thời điểm đó,
Trên thực tế, vụ việc sẽ không đáng nói nếu doanh nghiệp nhập các loại nhôm nguyên liệu để sản xuất, chế biến tại Việt Nam để xuất đi các nước, khi ấy chứng nhận xuất xứ C/O sẽ không là vấn đề bàn cãi. Tuy nhiên, một lượng lớn nhôm được nhập về Việt Nam có giá trị rất lớn hơn 4,3 tỷ USD là nhôm thanh, nhôm thỏi, nhôm thành phẩm. Chính vì vậy, hải quan Việt Nam đã từ chối cấp chứng nhận C/O cho toàn bộ lô hàng và sau gần 3 năm, số hàng trên vẫn nằm ở kho ngoại quan.
Được biết, sau khi bị phát hiện nhập các loại nhôm thành phẩm về Việt Nam xuất đi Mỹ bị phát giác, phía Hải quan Việt Nam cho biết, doanh nghiệp nhập khẩu và nhiều đơn vị nhập về đã có đề xuất chuyển sang làm các thủ tục để nhập về Việt Nam nhằm tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, không được chấp thuận. Số nhôm trên vẫn nằm tại kho ngoại quan, chờ hướng xử lý.
Mới đây, đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ đã đến Việt Nam để điều tra vụ việc nhằm không để số nhôm nói trên tẩu tán đi nước thứ 3 và xuất vào Mỹ.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn: “Phía Mỹ cho biết nếu số nhôm nói trên được đưa hết vào lò, sau đó cán ra thành các loại nhôm thành phẩm, tức là có gia công, chế biến tại Việt Nam, phía Mỹ cũng không chấp nhận đủ điều kiện xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi”.
Hiện có nhiều thông tin đồn đoán về số phận loại nhôm nói trên như tịch thu vì vi phạm nguồn gốc xuất xứ, buộc xuất ngược trở lại nơi đến, hoặc được tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, vụ việc này liên quan đến phía Mỹ, chính vì vậy các cơ quan chức năng đang xử lý và số nhôm nói trên liệu có được tiêu thụ tại Việt Nam hay không vẫn không có câu trả lời bởi như thế sẽ tạo hệ quả, tiền lệ xấu thời gian tới khi doanh nghiệp gian lận nhưng bị phát hiện lại tiêu thụ trong nước là không công bằng.
Dự kiến, Tổng cục Hải quan trong tuần này và tuần sau sẽ đưa ra nhiều thông tin mới về vụ việc. Theo nguồn tin của Dân Trí, Bộ Công Thương cũng đang chuẩn bị cung cấp thông tin về số nhôm Trung Quốc núp bóng hàng Việt nói trên.
Nguyễn Tuyền