Kho mỹ phẩm ngoại cực lớn: Chủ hàng vẫn "bặt vô âm tín"

(Dân trí) - Dù kho mỹ phẩm ngoại với số lượng cực lớn, trị giá hơn 10 tỷ đồng nhưng chủ hàng đã không chịu trình diện cơ quan chức năng để phối hợp xử lý. Trước sự việc trên, Ban Chỉ đạo 389 TPHCM đã báo cáo lên Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia để xin ý kiến chỉ đạo.

Liên quan đến vụ việc phát hiện kho mỹ phẩm giả cực lớn không rõ nguồn gốc mà Dân trí đã thông tin, chiều 21/9, Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã nhận văn bản báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo xử lý vụ việc từ Ban Chỉ đạo 389 TPHCM.

"Đây là vụ việc phức tạp, đối tượng buôn hàng lậu có số lượng rất lớn, hàng hoá có nguồn gốc sản xuất từ Mỹ, Phần Lan, Úc, Ấn Độ, ước tính theo giá thị trường trên 10 tỷ đồng nhưng qua 3 ngày thu giữ, chủ hàng không đến Đội Quản lý thị trường 2A để khai nhận", báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TPHCM nêu rõ.

Một góc kho mỹ phẩm (Ảnh: Ngọc Ánh/NLĐ)
Một góc kho mỹ phẩm (Ảnh: Ngọc Ánh/NLĐ)

Như Dân trí đã thông tin, ngày 17/9, Đội Quản lý thị trường (QLTT) 2A thuộc Chi cục QLTT TPHCM đã bắt quả tang xe ô tô tải biển kiểm soát số 51C-506.70 do ông Nguyễn Công Hân điều khiển đang giao một lượng lớn mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất nhưng không có hoá đơn chứng từ.

Tiến hành khám xét theo thủ tục hành chính đối với chiếc ô tô tải nói trên, lực lượng QLTT phát hiện có 1.800 chai dầu gội loại 665ml hiệu Suave và 900 chai dầu gội loại 1,18 lít hiệu Pantene Pro-V do Mỹ sản xuất. Số mỹ phẩm không hoá đơn, chứng từ này được xác định thuộc sở hữu của ông Ông Quốc Hiếu (sinh năm 1993, địa chỉ Trạm Hành II, Trạm Hành, Đà Lạt, Lâm Đồng).

Mở rộng kiểm tra địa điểm chứa trữ, kinh doanh hàng hóa tại số 30/1 (số cũ 32) đường Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM. Tại đây, QLTT phát hiện kho đang chứa trữ các mặt hàng là mỹ phẩm, thực phẩm... do Mỹ, Phần lan, Úc, Ấn Độ sản xuất nhưng không có hoá đơn, chứng từ.

Bước đầu xác định qua tường trình của các đương sự có liên quan cho biết, số hàng tại địa điểm chứa trữ là của ông Trương Ngọc Sơn (sinh năm 1976, địa chỉ thường trú D’Ran, Đơn Dương, Lâm Đồng) là người thuê kho và bà Trần Kim Phượng (hiện chưa đến làm việc theo yêu cầu và chưa xác định được nơi cư ngụ).

Qua kiểm đếm thực tế từ ngày 17/9 đến trưa 19/9, Đội QLTT 2A đã tạm giữ hàng mỹ phẩm tại đây gồm 108 chai dầu gội loại 665ml hiệu Suave; 7.812 chai sữa tắm loại 354ml hiệu White Rain; 19.008 chai dầu gội loại 443ml hiệu White Rain; 1.014 chai dầu gội trẻ em loại 310ml hiệu Suave; 3.780 chai sữa tắm loại 354ml hiệu Ivory; 3.780 chai dầu gội trẻ em loại 665ml hiệu Suave;... Ngoài ra, QLTT cũng tạm giữ mặt hàng thực phẩm tổng cộng 3.168 hộp kẹo cao su loại 60 viên hiệu ICE; 840 bịch kẹo socola loại 357,2g hiệu M&M; 280 bịch kẹo socola loại 1587,6g hiệu M&M.

Theo Ban Chỉ đạo 389 TPHCM, đây là vụ việc phức tạp, đối tượng buôn lậu có số lượng rất lớn, hàng hoá có giá trị hơn 10 tỷ đồng nhưng chủ hàng đã thiếu thiện chí hợp tác để nhanh chóng xử lý vụ việc.

Công Quang