Khi các "chiến thần" livestream và loạt sự cố gây phản ứng

Minh Huyền

(Dân trí) - Livestream bán hàng là một hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận "khủng", song đây có thể là "con dao 2 lưỡi" cho cả doanh nghiệp lẫn KOL, KOC.

Cứ vào các ngày đôi như 6/6, 7/7, Trần Lam (26 tuổi, Hà Nội) thường chuẩn bị sẵn tâm thế để "săn sale" trên livestream của các TikToker nổi tiếng, như một "cái hẹn định kỳ" mỗi tháng cho việc mua sắm của Lam.

Thực tế, theo thống kê từ các nền tảng thương mại điện tử, người tiêu dùng Việt ngày càng có xu hướng mua hàng thông qua livestream bởi hàng loạt voucher hấp dẫn và quà tặng độc quyền.

Cháy hàng trong vài phút mở bán, lợi nhuận "khủng", không ít TikToker nổi tiếng sở hữu hàng triệu người theo dõi đã hợp tác với các nhãn hàng để livestream bán hàng. Tuy nhiên, đây có thể là "con dao 2 lưỡi" cho cả doanh nghiệp lẫn KOL (người có sức ảnh hưởng), KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng).

Lùm xùm bán phá giá

Tháng 4/2023, TikToker Võ Hà Linh hợp tác với một nhãn hàng dầu gội livestream bán hàng trên nền tảng TikTok. Đáng chú ý, cô tuyên bố triển khai chương trình quảng bá sản phẩm với giá sốc là 11.000 đồng và 18.000 đồng.

Tuy nhiên, chiến dịch trên đã nhận về nhiều ý kiến phản đối dữ dội của các đại lý, nhà thuốc. Họ cho rằng hãng bán phá giá, gây khó cho các kênh bán truyền thống. Đã có những nhà thuốc kêu gọi nhau tẩy chay không chỉ nhãn hàng trên, mà còn cả những sản phẩm khác của đơn vị này.

Bên cạnh đó, một số người tiêu dùng cũng có cái nhìn thiếu thiện cảm khi hiểu lầm đại lý, nhà thuốc ăn chênh lệch quá "dày". Trước làn sóng phản ứng dữ dội, cả Võ Hà Linh và phía nhãn hàng đều lập tức đăng bài thanh minh rằng đây là "deal độc quyền" của nữ TikToker và sản phẩm được bán dưới dạng combo, số lượng có hạn.

Khi các chiến thần livestream và loạt sự cố gây phản ứng - 1

Người tiêu dùng "ném đá" vào livestream của Võ Hà Linh vì bị cho là sử dụng chiêu trò marketing không lành mạnh (Ảnh: Minh Huyền).

Sau livestream, dù sản phẩm "cháy hàng", cả Võ Hà Linh và công ty dược phẩm vẫn bị người tiêu dùng "ném đá" vì bị cho là sử dụng chiêu trò marketing không lành mạnh. Nhãn hàng cũng buộc phải đăng bài xin lỗi nhà thuốc và nhà phân phối. 

Quảng cáo quá đà

Tháng 10/2023, kênh TikTok Chuyện Nhà Linh Bí sở hữu hơn 1,2 triệu người theo dõi cũng vấp phải làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng do quảng cáo quá đà, không đúng sự thật về một sản phẩm dành cho trẻ em.

Cụ thể, chủ kênh TikTok Chuyện Nhà Linh Bí đã đăng tải bài viết quảng cáo, nói rằng thực phẩm "thạch canxi" thuộc top đầu tại Nhật Bản và được rất nhiều mẹ bỉm sữa ở Nhật tin dùng. Bên cạnh đó, người này còn giới thiệu rằng sản phẩm còn giúp trẻ cải thiện chiều cao và hỗ trợ phát triển trí não.

Tuy nhiên, thực tế, nhiều người dùng đã tìm hiểu và chỉ ra được rằng sản phẩm này chỉ được đăng bán cá nhân trên các sàn thương mại điện tử và không hề có giấy tờ nhập khẩu hay giấy chứng nhận an toàn cho trẻ. Đồng thời, không hề có chứng từ cụ thể về việc thực phẩm chức năng này thuộc top đầu Nhật Bản.

Chủ kênh sau đó cũng phải lên tiếng xin lỗi, thừa nhận đã sai khi giới thiệu sản phẩm chưa có chứng nhận là "thuộc top đầu và được các mẹ Nhật Bản tin dùng".

Phát ngôn "kém duyên"

Mới đây nhất, phiên livestream trên TikTok tối 7/7 của TikToker Hằng Du Mục nhận nhiều phản ứng trên mạng xã hội vì những phát ngôn được cho là "kém duyên" của nhà vườn sầu riêng tham gia bán hàng.

Theo đó, trong phiên livestream này, TikToker Nguyễn Thái Huyền (O Huyền Sầu Riêng) đã một số lần chê Quang Linh Vlogs ăn sầu riêng quá nhiều và nói không mời anh tham gia lễ hội sầu riêng vào tháng 8.

Dân mạng nhận xét gương mặt người này tỏ ra nghiêm túc, không hề đùa cợt kèm theo những câu nói khiến Quang Linh Vlogs tỏ ra khá ngại ngùng và bối rối.

Khi các chiến thần livestream và loạt sự cố gây phản ứng - 2

Đại diện phía nhà vườn là TikToker O Huyền Sầu Riêng khi tham gia bán hàng đã có những phát ngôn gây khó hiểu và bức xúc (Ảnh: Facebook).

Sau đó, một số người đã bức xúc đăng tải video kêu gọi hủy đơn hàng vì cho rằng nữ đại diện này không tôn trọng Quang Linh Vlogs. Kèm theo đó, nhiều người còn đánh giá 1 sao vào kênh TikTok của nhãn hàng.

Cả TikToker O Huyền Sầu Riêng và phía doanh nghiệp bán hàng sau đó đã lên tiếng xin lỗi. Mặc dù vậy, làn sóng phẫn nộ từ cộng đồng mạng vẫn chưa dừng lại, họ cho rằng lời xin lỗi của nữ Tiktoker O Huyền Sầu Riêng không chân thành và quá chậm trễ.

Sau sự cố, FoodMap - doanh nghiệp bán hàng đã phải chịu ảnh hưởng lớn, dưới 2% đơn hàng bị hoàn trả. Cả kênh TikTok của công ty và O Huyền Sầu Riêng đều phải tạm ẩn hết sản phẩm đang bán.