Khắp nơi trốn thuế, xé nát túi tiền quốc gia

Các đại gia lộ mặt trốn thuế, những thương hiệu nổi tiếng dính scandal chuyển giá, trong khi đó, Tập đoàn Nhà nước vẫn hồn nhiên ngửa tay xin cứu… thuế. Túi tiền quốc gia không thâm thủng mới là lạ.

Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, năm nay, hàng loạt vụ việc trốn thuế, lách thuế bị phát giác với những con số cực kỳ lớn, gắn với những danh hiệu đình đám thậm chí rất nhiều án trốn thuế thuế khủng lại do chính những DN nghiệp lớn, luôn tự hào về thành công kinh doanh thực hiện.

 

Đầu tiên phải kể đến, đó là vụ truy thu thuế cả chục tỷ đồng đối với 11 đại gia ở TP HCM. Đây chỉ là khoản thuế thu nhập cá nhân bị các đại gia này kê khai sót từ năm 2011 và vụ việc chỉ mới được khui ra vào tháng 7 vừa qua, tức sau một năm rưỡi.

 

Trong đó, chỉ riêng một ông chủ làm kinh doanh thương mại đã có số thuế nộp thiếu lên tới 2,2 tỷ đồng. Năm cá nhân còn lại, trung bình mỗi vị phải trả ngân sách trên dưới 1,5 tỷ đồng. Năm nhân vật VIP đứng cuối “bảng’ danh sách đen, mỗi vị phải nộp trả trên dưới 500 triệu đồng.

 

Nếu so với một cán bộ nhân viên bình thường thì số thuế mà các đại gia siêu giàu trên suýt “ăm trộm” của ngân sách đã gấp cả trăm lần.
 
Khắp nơi trốn thuế, xé nát túi tiền quốc gia

 

Cùng lúc đó, hàng loạt sao showbiz nổi tiếng cũng bị đưa vào danh sách ‘trốn thuế” phải truy thu hàng tỷ đồng. Các sao cũng lớn tiếng phản đối nhưng khi các số liệu lộ ra, các sao đành im lặng nộp tiền.

 

Vụ truy thu thuế khủng thứ hai đang nóng ran dư luận tuần qua liên quan các DN trên sàn chứng khoán. Điển hình nhất là khoản truy thu và phạt hơn 117 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp đối với công ty Nhựa Bình Minh. Lý do là đơn vị này vẫn tiếp tục kê khai giảm ưu đãi 50% thuế thu nhập trong khi thời hạn ưu đãi đã chấm dứt.

 

Cũng với thiếu sót này, hàng chục những tên tuổi khác cũng bị cơ quan thuế bắt lỗi với mức trung bình cũng vài tỷ đồng mỗi đơn vị, như công ty cổ phần Sông Đà, Cao su Sao Vàng, nước giải khát Chương Dương…

 

Không chỉ giới DN tư nhân, đến cả những DNNN kinh doanh hàng thiết yếu nhất cũng vướng vào án “trốn thuế”. Đó là ngành xăng dầu với con số 470 tỷ đồng thuế nhập khẩu mà Kiểm toán Nhà nước vừa phát hiện. Vụ việc thực tế đã gây ồn ào từ tháng 4 năm nay.

 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng không thoát tai tiếng về nộp thuế. Số thuế bị phát giác khai thiếu không lớn, chỉ hơn 1 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu điện. Lỗi chính bắt nguồn từ việc, EVN đã không báo trước cho hải quan việc tính sản lượng điện mua của Trung Quốc hồi năm 2007 chỉ là tạm thời.

 

Việc chấp hành luật thuế của nhóm các doanh nghiệp lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn tệ hơn. Những phi vụ chuyển giá hàng nghìn tỷ đã bị phanh phui. Tập đoàn Keangnam Vina- chủ sở hữu tòa nhà cao nhất Việt Nam hiện nay chuyển giá hơn 1220 tỷ đồng, số thuế bị truy thu 95,2 tỷ đồng. Hay như một liên doanh khác trong ngành dệt đến từ Malaysia- Đài Loan.. cũng bị buộc phải nộp hơn 78 tỷ đồng với tổng giá trị chuyển giá gần 1.200 tỷ.

 

Danh sách đen 122 vị doanh nghiệp FDI chuyển giá, bị truy thu hơn 214 tỷ đồng cũng đang dần đưa ra ánh sáng.

 

Cùng đó, hàng loạt những ông chủ hàng tiêu dùng nổi tiếng toàn cầu như Adidas, Metro, Cocacola cũng đang trong tầm ngắm xem xét việc chuyển giá.

 

Thế nên, một đợt thanh tra, kiểm tra của ngành thuế chỉ mới tính đến tháng 9, đã cho ra kết quả, thu hồi hơn 9.600 tỷ đồng cho ngân sách.

 

Nhiều vụ việc gian lận thuế đã bị cơ quan công an, cảnh sát khởi tố điều tra. Gần đây nhất là vụ xin hoàn thuế khống lên tới 109,4 tỷ đồng, cho tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu khống là hơn 1.094 tỷ đồng do cơ quan công an tỉnh Kiên Giang triệt phá.

 

Trong khi đó, các Tập đoàn kinh tế Nhà nước vẫn cứ liên tục hồn nhiên xin… cứu thuế. Dường như, có bao nhiêu dòng thuế, sắc thuế mà các Tập đoàn, Tổng công ty này phải nộp thì đều được liệt kê xin miễn, giảm cả. Ví dụ như Tập đoàn Than- Khoáng sản (Vinacomin) xin giảm phí môi trường xuống tới 10 lần, giảm thuế xuất khẩu than xuống một nửa, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) xin giảm các loại thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu trong công nghiệp đóng tàu. Và mới đây, Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) xin ưu đãi về cảng phí...

 

Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí vừa qua, phải nộp trả ngân sách 19.000 tỷ đồng tiền lãi dầu khí.

 

Tài nguyên khoáng sản của đất nước được đào lên, đem bán cho nước ngoài nhưng lợi nhuận cũng không được nộp đủ về cho ngân sách. Chuyển giá, buôn lậu, trốn thuế, lách thuế… diễn ra khắp nơi. Các chuyên gia kinh tế nói, ngân sách không thâm thủng mới là lạ.

 

Ngân khố quốc gia đã nghèo lại gặp cái eo.

 

Chính phủ đã phải thừa nhận vỡ bội chi ngân sách năm nay, nguồn thu bị hụt tới gần 60000 tỷ đồng. Kèm theo đó, Chính phủ đang phải “điều trần” với Quốc hội cho phép nâng tỷ lệ bội chi từ 4,8% lên 5,3%.

 

Và thật không khó để nhận ra, thu chi ngân sách vỡ trận không chỉ vì doanh nghiệp suy giảm, đầu tư công lãng phí mà còn do vấn nạn… nhà nhà trốn thuế.

 

Theo Phạm Huyền

VEF