Khai mạc hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017
(Dân trí) - Sáng nay (19/10), hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC và các hội nghị liên quan đã được khai mạc tại TP Hội An (Quảng Nam).
Khoảng 300 đại biểu quốc tế và trong nước tham dự, trong đó bao gồm các Bộ trưởng Tài chính, lãnh đạo cơ quan tài chính và lãnh đạo ngân hàng trung ương của 21 nền kinh tế thành viên trong khu vực, lãnh đạo cấp cao của các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Đây là sự kiện quan trọng nhất của tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC. Tại hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính thảo luận về tình hình kinh tế và tài chính vĩ mô toàn cầu và khu vực, xem xét kết quả tiến trình hợp tác tài chính về 4 chủ đề ưu tiên trong năm, cập nhật tình hình triển khai Kế hoạch hành động Cebu và thảo luận các vấn đề quan tâm khác.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng sẽ có phiên đối thoại với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) và lãnh đạo cao cấp một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong khu vực. Bên lề hội nghị, các Bộ trưởng có phiên họp kín để thảo luận riêng về các vấn đề quan tâm.
Trên cơ sở định hướng chủ đề quốc gia APEC 2017 “Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai”; tại hội nghị, các Thứ trưởng và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương tháng 2/2017, các Thứ trưởng và Phó Thống đốc đã thống nhất 4 chủ đề ưu tiên hợp tác trong năm 2017, bao gồm đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng, xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận, tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai và tài chính bao trùm.
Về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng, chủ đề tập trung vào giải quyết các vấn đề nhằm huy động nguồn vốn dài hạn của khu vực tư nhân cho các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ chế đảm bảo lợi ích và giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư tư nhân khi tham gia vào dự án PPP.
Kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế và các nền kinh tế trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến các dự án PPP, đặc biệt là vấn đề chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư tư nhân là một trong các chủ đề đã được thảo luận sôi nổi tại Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương (FCBDM), Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp (SFOM) và hội thảo về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng (tháng 5/2017).
Các quan chức tài chính APEC cũng thảo luận với các đối tác quốc tế về những công cụ quản lý dự án hiệu quả và việc phối hợp đào tạo kỹ năng sử dụng các công cụ này cho các cán bộ quản lý dự án tại các nền kinh tế thành viên APEC.
Về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận, đây là vấn đề được nhiều nền kinh tế thành viên APEC đặc biệt quan tâm và được các tổ chức quốc tế, đặc biệt là OECD và WB hỗ trợ mạnh mẽ.
Thông qua thảo luận tại hội thảo về kế hoạch hành động BEPS - kinh nghiệm triển khai tại các nền kinh tế APEC (tháng 2/2017), FCBDM và SFOM, các quan chức tài chính nhất trí cần tăng cường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và các hoạt động đào tạo trong khu vực nhằm nâng cao nhận thức về BEPS và tham gia tích cực vào dự án BEPS của G20/OECD.
Về tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, chủ đề tập trung vào các giải pháp tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai và bù đắp thiệt hại khi xảy ra thiên tai.
Qua thảo luận tại hội thảo về chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai (tháng 2/2017), FCBDM và SFOM, các quan chức tài chính APEC đã trao đổi về kinh nghiệm xây dựng chiến lược về tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai ở cấp độ quốc gia và cấp độ địa phương, và chính sách quản lý rủi ro tài chính đối với tài sản công tại các nền kinh tế thành viên APEC, cũng như các hoạt động của nhóm công tác APEC về tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai.
Về tài chính bao trùm, chủ đề ưu tiên tập trung thảo luận về phát triển thị trường tín dụng và các sản phẩm dịch vụ tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu và phát triển một nền nông nghiệp có chất lượng.
Các quan chức tài chính cũng phối hợp với các đối tác quốc tế chia sẻ các báo cáo nghiên cứu nhằm thúc đẩy financial inclusion trong khu vực APEC và triển khai các hoạt động hợp tác tăng cường chia sẻ thông tin tín dụng.
Chủ đề tài chính bao trùm đã được thảo luận sôi nổi tại FCBDM, SFOM, hội thảo về thúc đẩy trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới (tháng 5/2017), diễn đàn APEC về tài chính bao trùm và diễn đàn mạng lưới phát triển cơ sở hạ tầng tài chính (tháng 7/2017).
Kết quả hợp tác trong bốn lĩnh vực ưu tiên trên được báo cáo lên các Bộ trưởng vào ngày 21/10/2017, trên cơ sở đó các Bộ trưởng sẽ ra “Tuyên bố chung” thể hiện quan điểm về các vấn đề liên quan đến hợp tác tài chính khu vực, các chủ đề hợp tác ưu tiên trong năm và định hướng của tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC trong thời gian tới.
Kết quả của hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC sẽ được báo cáo lên Ủy ban quốc gia APEC 2017 để chuẩn bị nội dung cho hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11/2017. Thành công của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC đóng góp thiết thực vào kết quả của Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017 cũng như thành công chung của Việt Nam trong năm APEC 2017.
Công Bính