Doanh nhân APEC bàn về chuyện lo robot "cướp" công việc của con người
(Dân trí) - Các doanh nhân cho rằng, công nghệ phát triển có thể làm mất định một số công việc truyền thống nhưng sẽ mang lại cơ hội mới cho các ngành nghề như dịch vụ và mô hình kinh doanh dựa trên kinh nghiệm, kỹ năng.
Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) ngày thứ 2 với chủ đề “Đối thoại về các phương pháp tiếp cận để thúc đẩy các công nghệ, công ty và ngành tạo thêm nhiều việc làm trong thị trường toàn cầu đầy cạnh tranh và năng động”.
"Có sản phẩm chỉ con người mới làm được"
Trả lời cho những câu hỏi về vấn đề này, bà Chrystia Freeland, Ngoại trưởng Canada cho rằng: "Dù có nhiều lo lắng nhưng chúng ta vẫn phải tự tin và lạc quan hơn. Cần tận dụng cơ hội này để có kỹ năng làm việc mới, tận dụng công nghệ để tạo việc làm mới cho xã hội".
"Chúng ta không thể nói một cách đơn giản máy móc có thể thay cơ bắp nhưng nhìn chung chúng ta phải có kĩ năng mới để thay thế việc làm ở trình độ mới", bà nhấn mạnh.
Bà cũng cho rằng, những thách thức này đã gặp và từng trải qua trong những cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Và kinh nghiệm cho thấy, mọi thứ diễn ra đều thuận lợi để cuối cùng chúng ta có những công việc mới tốt hơn, làm việc thuận lợi hơn.
Là một trong bốn doanh nhân Việt xuất hiện tại APEC CEO Summit lần này, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, bà Dương Thị Mai Hoa cho rằng, hiện nay người ta nhắc nhiều tới việc robot và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế công việc do con người làm nhưng thực tế hiện mới chỉ tham gia được vào một phần trong quá trình sản xuất chứ không phải là tất cả.
Bà cũng cho rằng chỉ những công việc đơn giản sẽ bị mất đi còn nhiều những sản phẩm chỉ con người mới có thể làm được. Ở một góc độ khác, khi những công việc đơn giản đã được thay thế bởi robot, con người có thể tìm thấy những cơ hội việc làm ở một tầm cao mới, tối ưu hóa lợi ích, nâng cao năng suất.
"Xã hội của chúng ta phức tạp hơn và robot chỉ có thể làm những công việc đơn giản, lặp đi lặp lại, chứ không phải những công việc có liên quan đến cảm xúc hay cần sự tỉ mỉ khéo léo của bàn tay thủ công. Ở Việt Nam, nhiều nhà máy dệt may có thể sử dụng máy móc để sản xuất quần áo nhưng đối với những sản phẩm truyền thống chỉ có thể làm bằng tay, như chiếc áo dài mà tôi đang mặc”, bà Hoa nói.
Bà Hoa cũng lấy ví dụ về việc dù máy móc có thể khiến một vài cơ hội việc làm bị khép lại nhưng cũng có những cơ hội mới mở ra, như cần có người tạo ra robot, cần bộ phận kỹ thuật bảo trì, bảo dưỡng robot.
"Hay ví dụ như với người làm việc tài chính kế toán, những công việc cũ có thể mất đi nhưng công việc mới sẽ được nâng lên tầm cao mới. Điều này giúp người làm tài chính ngân hàng có thể tối ưu hoá lợi nhuận bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ để năng cao hơn nữa năng suất lao động, đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp", bà Hoa nói.
Mang lại cơ hội mới
Chung nhận định, ông Ning Tang, Chủ tịch kiêm CEO của CreditEase (một trong những công ty fintech hàng đầu Trung Quốc) cũng cho rằng, công nghệ làm mất đi một số công việc truyền thống nhưng sẽ mang lại cơ hội mới cho các ngành nghề như dịch vụ và mô hình kinh doanh dựa trên kinh nghiệm, kỹ năng.
"Ở Mỹ khi nhiều người lo ngại việc giao dịch ngân hàng trên mạng sẽ khiến mất nhiều việc làm nhưng thực ra điều đó lại tạo ra rất nhiều công việc khác. Chúng ta có Chatbot, nhưng tôi nghĩ là công nghệ đó sẽ thay thế con người tư vấn là ví dụ cho thấy công nghệ giúp giảm thiểu thời gian, bổ trợ cho công việc của con người", ông Ninh Tang nói.
Ông Tang cũng lấy ví dụ về ngành bảo hiểm khi có ý kiến cho rằng công nghệ sẽ khiến công việc bán bảo hiểm biến mất nhưng ngược lại, ông cho rằng, công nghệ sẽ giúp người môi giới bán bảo hiểm tốt hơn, thuyết phục khách hàng hiệu quả.
Tổng giám đốc Airbnb - ông Nathan Blecharczyk - cũng thừa nhận, công nghệ đã hỗ trợ rất tích cực cho ngành du lịch nhưng lại đối mặt với những thách thức lớn đặc biệt vấn đề hạ tầng.
Theo ông Nathan, thế giới có khoảng 800 triệu khách đi du lịch, trong đó chỉ tính riêng trong nền kinh tế APEC đã là hơn 50 triệu du khách. Do đó, một mặt ngành du lịch phát triển nhờ ứng dụng công nghệ giúp tạo ra thu nhập ổn định cho người dân địa phương nhưng với nhu cầu khổng lồ đó, ngành du lịch khó mà đáp ứng về hạ tầng nếu thiếu sự điều tiết từ chính phủ.
Đối thoại với những doanh nhân còn lại, ông Freeland cũng nhiều lần nhấn mạnh tới tầm quan trọng trong việc điều tiết, định hướng xã hội từ Chính phủ.
"Chính phủ phải có vai trò trong giáo dục để định hướng, trang bị kĩ năng cho họ để họ có thể làm việc trong môi trường mới", ông nhấn mạnh.
Phương Dung