Kêu thiếu tiền, EVN xin giãn nợ tiền mua than, được đi vay than

Ghi Du

(Dân trí) - EVN kiến nghị TKV và Tổng Công ty Đông Bắc xem xét giãn thời hạn thanh toán tiền than của tập đoàn và các tổng công ty phát điện. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng có mong muốn đi vay than.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc (hai đơn vị chính trong cấp than cho sản xuất điện) đề nghị giãn thời gian thanh toán tiền than.

Cụ thể, EVN cho biết từ năm 2022 và những tháng đầu năm nay, tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính của tập đoàn và các đơn vị thành viên gặp nhiều khó khăn do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu, hoạt động sản xuất điện bị lỗ. Điều này đã làm thiếu hụt dòng tiền thanh toán cho các nhà cung cấp nhiên liệu, đơn vị bán điện.

Vì vậy, EVN mong muốn các đơn vị trên cung cấp đầy đủ và liên tục than cho các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo cho hoạt động sản xuất và cung cấp điện cho năm 2023. Tập đoàn đề nghị TKV và Đông Bắc xem xét giải pháp tăng cường khai thác và cung cấp than sản xuất trong nước cho các đơn vị phát điện.

Đồng thời, đối với thời hạn thanh toán tiền than của tập đoàn, các tổng công ty phát điện và các đơn vị thành viên, phía EVN đề nghị TKV và Tổng công ty Đông Bắc xem xét giãn thời gian thanh toán tiền than.

Kêu thiếu tiền, EVN xin giãn nợ tiền mua than, được đi vay than - 1

Giá bán lẻ điện sinh hoạt mới (Biểu đồ: VH)

Cùng với việc xin giãn tiến độ thanh toán tiền than, EVN cũng đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Sông Hậu 1 tạo điều kiện để đề xuất vay than cho Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng.

Để đảm bảo cấp đủ điện, EVN đề nghị TKV và Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Sông Hậu 1 xem xét hỗ trợ than cho các nhà máy nhiệt điện. Doanh nghiệp muốn được vay 52.000 tấn than mà Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 sắp nhận về cảng để sử dụng nguồn nhiên liệu này cho phát điện.

EVN cũng nêu rõ là sẽ sắp xếp hoàn trả khối lượng than trên cho Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Sông Hậu 1 vào cuối tháng 5.

Trước đó, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 1.920,3732 đồng/kWh (giá cũ là 1.864,44 đồng/kWh), tương đương mức tăng 3%. Cùng ngày, Bộ Công Thương có quyết định quy định về giá bán điện, trong đó có biểu giá bán điện sinh hoạt mới.

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới vẫn được chia làm 6 bậc thang. Bậc 1 cho kWh 0-50 là 1.728 đồng/kWh (biểu giá cũ là 1.678 đồng/kWh). Bậc 2 cho kWh 51-100 là 1.786 đồng/kWh (biểu giá cũ là 1.734 đồng/kWh). Bậc 3 cho kWh 101-200 là 2.074 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.014 đồng/kWh). Bậc 4 cho kWh 201-300 là 2.612 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.536 đồng/kWh). Bậc 5 cho kWh 301-400 đồng/kWh là 2.919 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.834 đồng/kWh). Bậc 6 cho kWh 401 trở lên là 3.015 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.927 đồng/kWh).