1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Kẹt” tiền, Nga tính mạnh tay đánh thuế ngành dầu lửa

Tình hình kinh tế Nga đang xấu đi, đến nỗi điện Kremlin phải cân nhắc những chính sách không có lợi cho tương lai chỉ để vượt qua những khó khăn ở thời điểm hiện tại.

Theo tin từ CNBC, một cuộc xung đột đang âm ỉ hình thành ở Nga khi Bộ Tài chính nước này đưa ra đề xuất đánh thuế cao hơn vào ngành công nghiệp dầu lửa nhằm hỗ trợ ngân sách.

Kinh tế suy thoái và giá dầu ở mức thấp kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách Nga, khiến giới chức nước này tính chuyện buộc các công ty năng lượng phải nộp nhiều thuế hơn, thay vì áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí mạnh tay - cách làm mà Moscow lo ngại có thể gây ra những hậu quả chính trị khó lường.

Các chuyên gia cho rằng, kế hoạch tăng thuế đánh vào ngành dầu lửa có thể mang lại lợi ích tức thời cho Chính phủ Nga, nhưng sẽ gây thách thức cho ngành này cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của chính nước Nga.

“Việc này sẽ có ảnh hưởng trong hàng thập kỷ”, nhà phân tích cấp cao Lauren Goodrich thuộc công ty nghiên cứu địa chính trị Stratfor đánh giá.

Theo bà Goodrich, nếu ngành năng lượng Nga không có vốn đầu tư mới trong 2 năm tới, thì nước này sẽ chứng kiến sự suy giảm kéo dài về sản lượng dầu, bởi các giếng dầu từ thời Liên Xô cũ đang cạn dần, trong khi không có giếng mới được khoan tìm để bù vào phần sản lượng đang được khai thác.

Trong bối cảnh lệnh trừng phạt khiến các công ty dầu lửa phương Tây không thể rót vốn vào Nga và nhiều nhà đầu tư Trung Quốc còn chần chừ, các công ty năng lượng Nga chỉ “dám” hy vọng duy trì sản lượng trong bối cảnh thị trường dầu lửa toàn cầu cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

“Họ thực sự cần có tiền để đầu tư, cho dù đó là vốn nước ngoài hay vốn trong nước”, bà Goodrich nói. “Điện Kremlin đang ở trong một thời điểm rất, rất khó khăn”.


Bất chấp khó khăn của nền kinh tế, các công ty dầu lửa của Nga đến thời điểm này vẫn làm ăn khấm khá

Bất chấp khó khăn của nền kinh tế, các công ty dầu lửa của Nga đến thời điểm này vẫn làm ăn khấm khá

Sự kết hợp giữa lệnh trừng phạt của phương Tây, giá dầu giảm sâu, chi tiêu quân sự tốn kém và chi tiêu chính phủ đã tác động mạnh đến nền kinh tế Nga. Số liệu thống kê chính thức công bố ngày 1/4 cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm 3,7% trong năm 2015. Từ năm 2014 đến nay, tỷ giá đồng Rúp so với USD đã giảm khoảng 55%.

Bất chấp khó khăn của nền kinh tế, các công ty dầu lửa của Nga đến thời điểm này vẫn làm ăn khấm khá.

Do tiền thu về là USD và tiền dùng để trang trải các chi phí trong nước lại là Rúp, các công ty năng lượng Nga trụ vững hơn so với các đối thủ nước ngoài trong bối cảnh giá dầu giảm sâu. Trái lại, với chính sách thuế lũy tiến dựa trên giá dầu đối với các công ty năng lượng, Chính phủ Nga chứng kiến nguồn thu ngân sách giảm mạnh ở mức giá dầu dưới 40 USD/thùng hiện nay so với mức giá trên 100 USD/thùng trước kia.

Các chuyên gia kinh tế Nga nói thuế lũy tiến cho phép các công ty năng lượng Nga được giữ lại 1-2 USD lợi nhuận tính trên mỗi thùng dầu. Tuy nhiên, khoản lời này sẽ nhanh chóng biến mất nếu chính sách thuế mới được thông qua.

“Với mức giá dầu hiện tại và mức lợi nhuận tính trên mỗi thùng dầu như vậy, thì việc tăng thuế chẳng khác gì đổ thóc giống ra ăn”, chuyên gia cấp cao William Courtney thuộc Rand Corp. đánh giá về chủ trương tăng thuế đánh vào ngành năng lượng của Nga.

Không phải ai cũng cho rằng việc tăng thuế năng lượng sẽ ảnh hưởng xấu đến tương lai của nước Nga.

Nhà phân tích Ildar Davletshin thuộc công ty Renaissance Capital ở London cho rằng Nga sẽ chỉ tăng thuế đối với các công ty năng lượng nếu giá dầu tiếp tục ở dưới mức 50 USD/thùng. Nếu điều đó xảy ra, sự suy giảm sản lượng do giảm đầu tư sẽ chỉ ở mức vài điểm phần trăm, không có ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Nga.

Thậm chí, ông Davletshin còn cho rằng khi sản lượng dầu của Nga giảm xuống, thì giá dầu toàn cầu có thể tăng lên, giúp nguồn thu của Chính phủ Nga được cải thiện. Với nguồn tiền đó, Nga có thể đa dạng hóa nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào ngành năng lượng bằng cách đầu tư vào những ngành có giá trị cao hơn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nói kịch bản như vậy chỉ là chuyện “trong mơ”.

“Cách lập luận này không thuyết phục được tôi, bởi Nga là một nền kinh tế dầu lửa, thậm chí từ thời sa hoàng”, chuyên gia Goodrich nói.

Nhiều khả năng các công ty năng lượng Nga sẽ vận động hành lang mạnh mẽ chống lại việc tăng thuế, nhưng Chính phủ Nga có thể sẽ thuyết phục họ bằng cách mở cánh cửa độc quyền tài nguyên hoặc hậu thuẫn trong cuộc cạnh tranh thâu tóm.

Theo các chuyên gia, cho dù điều gì xảy ra, thì vấn đề tăng thuế năng lượng sẽ đặc biệt “nóng” ở Nga trong mùa thu năm nay, khi nước này tiến hành các cuộc thảo luận về ngân sách năm 2017.

Theo Bình Minh
VnEconomy

“Kẹt” tiền, Nga tính mạnh tay đánh thuế ngành dầu lửa - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm