1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Kết hợp giữa tái cơ cấu, giải thể và phá sản Vinashin

(Dân trí) - Bộ Giao thông Vận tải sẽ chuẩn bị thông tin đầy đủ, chính thức về tình hình, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu Vinashin, lựa chọn thời điểm thích hợp công bố chính thức, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến việc xử lý nợ với chủ nợ nước ngoài.

Theo đánh giá của Chính phủ tại Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 6/2013, tới thời điểm hiện tại, việc triển khai Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế mới đạt được kết quả bước đầu. Tuy vậy, việc cụ thể hoá các giải pháp theo Nghị quyết số 02 còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Trước tình hình này, cơ quan điều hành yêu cầu các Bộ ngành, địa phương khẩn trương ban hành và triển khai quyết liệt, có hiệu quả chương trình, kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã được phê duyệt.

Trong Nghị quyết ban hành lần này, Chính phủ giao Ban Chỉ đạo Tái cơ cấu Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin), Bộ Giao thông Vận tải chủ trì tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan hoàn chỉnh Đề án tiếp tục tái cơ cấu theo Kết luận của Bộ Chính trị, phù hợp với tình hình thực tế.

Chính phủ chọn phương án tái cơ cấu Vinashin thay vì cho tập đoàn phá sản.
Chính phủ chọn phương án tái cơ cấu Vinashin thay vì cho tập đoàn phá sản.

Nghị quyết nêu rõ, hoạt động tái cấu trúc Vinashin dựa trên kết hợp giữa tái cơ cấu và giải thể, phá sản; thu gọn quy mô sản xuất, tập trung ngành nghề kinh doanh chính; giữ được năng lực chủ yếu về đóng và sửa chữa tàu thuỷ phù hợp với tình hình thị trường, khả năng tài chính và năng lực quản lý; khắc phục tình trạng khó khăn, thua lỗ và từng bước phát triển bền vững.

Theo yêu cầu của Chính phủ, cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp nhà nước hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về tiếp tục tái cơ cấu Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải chuẩn bị thông tin đầy đủ, chính thức về tình hình, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu tập đoàn, lựa chọn thời điểm thích hợp để công bố chính thức, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến việc xử lý nợ với chủ nợ nước ngoài; chuẩn bị báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền.

Hồi giữa tháng 6, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Vinashin hiện vẫn đang lỗ nặng dù quá trình tái cơ cấu đã đạt được kết quả bước đầu.

Theo đó, trong số 216 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn đã sắp xếp lại 36 doanh nghiệp, tổng số lao động giảm xuống còn gần 29.000 người, trong số này có trên 74% có việc làm. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, nếu Vinashin không tiếp tục sản xuất nữa thì chắc chắn số lỗ sẽ tăng thêm ít nhất 10.000 tỷ đồng.

Hơn nữa, nếu để Vinashin phá sản, Nhà nước sẽ phải trả nợ thay cho Vinashin. Như vậy, Nhà nước vừa mất tiền vừa mất uy tín, nhưng quan trọng hơn, cuộc sống của trên 30.000 gia đình sẽ không được đảm bảo, vì thế Chính phủ lựa chọn phương án tốt hơn là tái cơ cấu.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, tinh thần của Chính phủ là chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu Vinashin một cách toàn diện theo hướng vừa tái cơ cấu vừa tiến hành giải thể phá sản, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chỉ để lại 8 doanh nghiệp nòng cốt, tinh chọn lại 8.000 lao động có tay nghề cao.

Để tái cơ cấu lại nợ của Vinashin, Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan gồm có 19 ngân hàng trong nước giảm nợ cho Vinashin, những khoản nợ doanh nghiệp tự vay cũng giảm được khoảng 30%. Trong 3 năm, Vinashin đã đóng và bàn giao 170 tàu lớn, xuất khẩu 66 tàu lớn…

Bích Diệp