1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

“Tái cơ cấu Vinashin và Vinalines có lợi hơn so với phá sản”

(Dân trí) - Hoạt động của Vinashin và Vinalines vẫn còn lỗ nặng nhưng khẳng định trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hai tập đoàn này đang được tái cơ cấu mạnh mẽ, hứa hẹn nhiều triển vọng trong tương lai.

Chiều nay 14/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh: Việt Hưng).

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh: Việt Hưng).

Không thể cho phá sản Vinashin, Vinalines

Là nhóm đại biểu đặt câu hỏi đầu tiên đối với Phó Thủ tướng, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) hỏi: “Vinashin và Vinalines vẫn là gam màu tối để lại sự méo mó về các tập đoàn nhà nước, các tập đoàn này để lại khoản nợ hàng trăm triệu USD. Trong phiên họp trước, Chính phủ cho biết sẽ thực hiện tái cơ cấu hai tập đoàn này, xin cho biết hiệu quả quá trình này đã làm được gì, lộ trình có thực hiện được không?”.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lịch sử thành lập Vinashin (tháng 1/1996, quyết định bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình là tổng giám đốc). Phó Thủ tướng nói: Vinashin bị đổ bể trong nhiều phương diện về sản xuất, kinh doanh, việc làm …điều này có hai nguyên nhân. Xét về nguyên nhân chủ quan có việc quản trị tập đoàn lỏng lẻo, gây thất thoát tiền vốn của Nhà nước trong việc Vinashin mở rộng sản xuất nhưng không quản lý tốt nguồn vốn. Và nguyên nhân thứ hai, Vinashin thành lập trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực, cũng như trong nước gây ảnh hưởng trực tiếp nhất đến vận tải biển.

Trước hậu quả nặng nề mà Vinashin để lại, Phó Thủ tướng cho hay: Đảng, Nhà nước đã xử lý nghiêm vụ này, bắt tạm giam Phạm Thanh Bình và 8 cán bộ có liên quan. Đã khởi tố bắt giam 8 cán bộ trong tập đoàn Vinashin; tại 5 tỉnh Hải Dương, Hà Tĩnh, Bình Định, Quảng Ninh, Nam Định khởi tố 18 bị can và đang trong quá trình tố tụng. “Như thế có thể nói, pháp luật đã xử lý nghiêm khắc những cán bộ trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại Vinashin gây thất thoát, lãng phí”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, Vinashin sau khi thực hiện tái cơ cấu, hoạt động có sự ổn định hơn, quản lý tốt hơn, có điều lệ, có phương pháp sản xuất kinh doanh. Trong 216 doanh nghiệp không giữ lại đã sắp xếp được 36 doanh nghiệp, còn gần 29.000 lao động, trên 74% lao động có việc làm. Trong 3 năm qua, Vinashin đã đóng bàn giao 170 tàu lớn, xuất khẩu 66 tàu lớn với giá trị 1.215 triệu USD…

“Hiện Vinashin vẫn lỗ nặng, quá trình tái cơ cấu vẫn còn chậm, còn nhiều khó khăn thách thức”, theo Phó Thủ tướng. Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu Vinashin một cách cơ bản, toàn diện, quyết liệt giữa tái cơ cấu và giải thể, phá sản, kết hợp vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Theo phương án tái cơ cấu, tập đoàn Vinashin sẽ giữ lại 8 doanh nghiệp, với 8.000 lao động giỏi, có tay nghề cao. Còn 216 doanh nghiệp không giữ sẽ bán cổ phần, phấn đấu đến năm 2015 xong việc chuyển nhượng những doanh nghiệp nhỏ lẻ thuộc tập đoàn.

Cũng theo đánh giá của Phó Thủ tướng, "nếu phương án tái cơ cấu Vinashin thành công, Việt Nam sẽ có 1 ngành công nghiệp với nhiều triển vọng phát triển và đặc biệt là giữ được đội ngũ công nhân lành nghề. Với một chiến lược phát triển biển, thế mạnh biển không thể không có ngành đóng tàu”.

Trước ý kiến sao không cho phá sản Vinashin, thay vì tái cơ cấu lại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi đáp: “Vinashin là tập đoàn 100% vốn Nhà nước, nếu cho phá sản thì Nhà nước cũng phải trả nợ thay cho Vinashin. Điều này vừa mất tiền, mất uy tín, chỉ số tín nhiệm thấp và đặc biệt là bao nhiêu nghìn gia đình không ổn định cuộc sống. Tái cơ cấu vẫn tốt hơn là cho phá sản. Nếu thị trường thế giới phục hồi, phát triển, các tập đoàn kinh tế trong đó có vinashin sẽ có triển vọng, có tương lai”.

Nói về Vinalines, Phó Thủ tướng cho biết doanh nghiệp này đang tái cơ cấu rất mạnh mẽ và có xu hướng phục hồi nhanh hơn Vinashin. Hiện tại, Vinalines đã thoái vốn đầu tư tại 16 doanh nghiệp, hoàn thành cổ phần hóa 4 doanh nghiệp, thoái vốn tại 14 doanh nghiệp, đã hoàn thành phương án tái cơ cấu nợ, bán được một số tàu hoạt động không hiệu quả, sắp xếp lại nhân sự; đã trình Chính phủ ban hành lại điều lệ hoạt động doanh nghiệp, tiến hành cổ phần hóa một số cảng Sài Gòn, Cam Ranh...

“Kinh tế nhỏ nhưng hội nhập sâu”

Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Chúng ta là nước mới thoát nghèo, tổng GDP hiện nay có 155,2 tỷ USD, bình quân GDP đầu người là 1.749 USD. Với tổng mức GDP như vậy mà tổng kim ngạch xuất khẩu của ta hơn 200 tỷ USD thì nói lên một điều rằng kinh tế của chúng ta nhỏ nhưng hội nhập sâu”.

Bày tỏ trước Quốc hội, Phó Thủ tướng cho hay: “Chúng tôi cũng rất muốn có sự đột phá trong phát triển. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn phát triển, chỉ đạo không chặt chẽ thì sẽ quay lại lạm phát. Chính vì vậy, chúng ta không được phát triển nóng, cần tăng trưởng bền vững”.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã trải qua nhiều chu kỳ lạm phát khác nhau, kéo dài nên vấn đề phát triển bền vững được đặt ra. “Quốc hội từng nói, tăng trưởng cao mà lạm cao thì không có ý nghĩa với người dân. Chúng ta đã kiềm chế được được lạm phát nhưng lạm phát cơ bản của ta còn rất lớn. Vì thế, ta cần thực hiện chủ trương nhất quán mà Quốc hội nêu ra trong đầu kỳ năm 2013 là: Tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững toàn vẹn tổ quốc…”.

Với mục tiêu tăng trưởng bền vững, từ nay đến cuối năm, Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện phát phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung mà Nghị quyết 02 về tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển.
 
Về giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn xây dựng cơ bản, điều chuyển vốn công trình chậm sang công trình có điều kiện hoàn thành nhanh, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội kỳ họp tới việc phát hành trái phiếu Chính phủ để làm một số công trình như Quốc lộ 1a, 14b qua Tây Nguyên.

Về giải pháp tiền tệ, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%, Phó Thủ tướng tính toán, các tháng còn lại, mỗi tháng phải giải ngân 40.000 tỷ đồng. Cùng với đó, cần phải tích cực đẩy nhanh gói hỗ trợ bất động sản 30.000 tỷ, cũng như khoanh nợ, giãn nợ, tái cơ cấu nợ, triển khai công ty mua bán nợ…Cũng theo đại diện của Chính phủ, giảm lãi suất cũng là biện pháp được xem xét thực hiện trong thời gian tới.

Nguyễn Hiền