Kể chuyện quốc ca bằng âm nhạc
Câu chuyện đằng sau bài quốc ca của Việt Nam được kể theo cách của một hộp nhạc đến từ Thụy Sỹ.
Năm 1865, khi những hộp nhạc Reuge đầu tiên ra đời, chúng mở ra một thú chơi mới với những người vốn vẫn thích sự cầu kỳ và chính xác của những cỗ máy nhỏ xíu. Lên dây cót, ngắm những chiếc răng lược gại vào những đầu gai nhỏ xíu gắn trên những trục cylindre được xoay bởi những bánh răng, nghe những nốt nhạc ngân lên từ đó. Chừng ấy thôi mà Reuge đã mê hoặc hầu hết giơí thượng lưu chính khách châu Âu.
Dần dà, cùng thời gian, Reuge không chỉ tích lũy cho mình những giá trị tinh xảo của một món hàng thời thượng, mà cả những câu chuyện mà chúng biết.
Thành công của Reuge không chỉ nằm ở sự tinh tế của từng chi tiết bên trong những hộp nhạc. Cái chạm tinh xảo đặc trưng của Thụy Sỹ mới chỉ là sự quyến rũ ban đầu. Sự mê hoặc tiếp theo nằm ở khả năng đưa sức nghĩ ra bên ngoài những chiếc hộp. Nói một cách khác, Reuge không chỉ là hộp nhạc. Nó còn là một báu vật có thể kể bằng âm nhạc những câu chuyện bên ngoài âm nhạc. Các bản nhạc đôi khi được lựa chọn dưạ trên câu chuyện mà chúng muốn kể. Và theo đúng phong cách của Reuge, vỏ của chiếc hộp sẽ chứa ít nhiều tinh thần của câu chuyện đó.
Những nốt nhạc đồng quê có thể được gói trong hình hài của một hộp có hình những bông lúa mì. Nó có thể kể chuyện về cuộc phiêu lưu của những ngọn gió và giọt sương.
Sản phẩm được chụp tại Miluxe- 199 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, (Ảnh- Ngô Nhật Hoàng)
Lòng ngưỡng mộ đối với Stradivari, người làm đàn kỳ tài của thế giới, có thể được giữ trong những hộp nhạc hình cây đàn violin. Những hộp nhạc này có thể kể câu chuyện gỗ làm đàn Stradivarius (cây vân sam ở thung lũng Val di Fiemme, Bắc Ý, và cây thích ở Trung Âu) cần phải chặt vào đêm không trăng của tháng giêng, khi thân cây khô và nhẹ nhất do nhựa đã dồn hết về rễ, để cây đàn có được âm thanh của thiên thần.
Hay số phận của Phổ Nghi có thể được tái hiện bằng những giai điệu mang âm hưởng Á Đông trong một chiếc hộp làm bằng nu của gỗ óc chó, được khảm rồng bằng vàng 18k. Nó có thể kể câu chuyện về một “con rồng” đã đi vào lịch sử với tư cách là vị hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc. Mới đây nhất, Reuge đã kể một câu chuyện đậm chất Việt Nam. Câu chuyện đó được kể bằng những nốt nhạc của một giai điệu có khả năng tạo ra những xúc cảm diệu kỳ. Đó là giai điệu bài Tiến Quân Ca, bài quốc ca của Việt Nam.
Để kể câu chuyện này, Reuge đã mất hơn một năm trời, bắt đầu từ việc phối lại bài hát sao cho có thể sắp xếp nó đủ trong 72 note mà chiếc hộp nhạc có thể chơi. Tiếp đó là những tính toán kỹ thuật để âm thanh hóa chúng.
Thách thức lớn nhất là phải làm sao cho giai điệu thiêng liêng nhất của Việt Nam khi ngân lên qua cơ chế chuyển động của các chi tiết cơ khí nhỏ xíu, không chỉ đạt độ chuẩn về âm thanh mà còn cả cảm xúc. Bởi khác với mọi ca khúc khác, quốc ca gắn liền với tình cảm thiêng liêng nhất, là tình yêu tổ quốc. Công đoạn cuối cùng của chế tác là những chiếc hộp. Hộp nhạc Reuge có thể coi là lời đề từ cho một câu chuyện. Và lời đề từ cho câu chuyện Việt Nam của Reuge là một khối hình chữ nhật có hình trống đồng Đông Sơn trên gỗ óc chó quý hiếm được phủ sơn mài - cả chất liệu lẫn họa tiết đều đậm đặc tinh thần Việt.
Trong một khoảng lặng yên tĩnh của ngày, để lại ngoài cửa những bận rộn xô bồ của cuộc sống, chiếc hộp làm bằng gỗ quý được mở ra, và những giai điệu quen thuộc của bài Tiến Quân Ca nhè nhẹ ngân lên. Có một điều gì đó không thể gọi thành tên nghẹn lại trong tim, rồi trào dâng trong huyết quản. Tình yêu Tổ quốc thiêng liêng trong từng nốt nhạc. Những nốt nhạc tuyệt đẹp này kể một câu chuyện tuyệt vời về một Việt Nam đầy can qua nhưng chưa bao giờ thiếu đi niềm tin vào một ngày mai bền vững. Chúng còn ngân mãi kể cả khi chiếc hộp được đóng lại.