(Dân trí) - Intercontinental Hanoi Westlake thua lỗ triền miên tới mức "chủ người Việt" Thăng Long GTC phải chi trăm tỷ đồng trích lập dự phòng.
Khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake: Người Thái "chạy", chủ Việt "treo" trăm tỷ vì lỗ
Là một trong những khách sạn 5 sao đẹp nhất Hà Nội nhưng Intercontinental Hanoi Westlake thua lỗ triền miên tới mức "chủ người Việt" Thăng Long GTC phải chi trăm tỷ đồng trích lập dự phòng.
"HỆ SINH THÁI" BRC
Intercontinental Hanoi Westlake được cho là một trong những khách sạn đẹp và độc đáo bậc nhất Hà Nội. Công trình gồm 293 phòng được xây dựng giữa không gian Hồ Tây thanh bình, lấy cảm hứng từ tông màu rực rỡ của hoàng hôn.
Trong năm 2020, khi ngành khách sạn, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, giá phòng tại Intercontinental Hanoi Westlake có giảm sâu vẫn ở mức 2,3 triệu đồng/đêm. Phòng Suite Grand 1 giường cỡ King có giá 12 triệu đồng/đêm.
Có vị trí hấp dẫn và kiến trúc đẹp, Intercontinental Hanoi Westlake luôn nằm trong tầm ngắm của các đại gia bất động sản. Vì vậy, trong suốt lịch sử của mình, khách sạn này đã nhiều lần đổi chủ.
Năm 1991, S. Lien Holdings đến từ Singapore khởi động một dự án trên mặt nước Hồ Tây có tên "Khách sạn Hồ Tây của Lien". Nhưng công trình mất 7 năm mới hoàn thiện phần thô. Đúng lúc khách sạn cần tiền để hoàn thiện thì S. Lien Holdings phá sản do ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ năm 2007.
2007 là năm Intercontinental Hanoi Westlake "đổi chủ" đầu tiên. Ngày 9/2/2007, theo hợp đồng liên doanh với công ty T.P.C Development Ltd và giấy chứng nhận đầu tư số 011022000080 chứng nhận lần đầu ngày 15/8/2007 và thay đổi lần thứ nhất ngày 22/1/2009, Thăng Long GTC góp 25% vốn điều lệ, trị giá 6.951.448 USD bằng quyền sử dụng 7.899m2 đất và 24.088m2 mặt nước Hồ Tây trong thời gian 40 năm kể từ 2/7/1991 trị giá 4.551.448 USD, chi phí đền bù và ghi nhận lợi thế địa điểm bằng 2.260.000 USD.
Tại thời điểm cổ phần hóa, giá trị khoản đầu tư xây dựng khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake là 139 tỷ đồng. Như vậy, khách sạn này được định giá khoảng 556 tỷ đồng. 75% vốn của T.P.C Development Ltd trị giá 417 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau này, cái tên T.P.C Development Ltd không còn nữa, thay vào đó là Tập đoàn Berjaya Corporation Berhad của tỷ phú Vincent Tan. Berjaya Corporation Berhad sở hữu 75% vốn Intercontinental Hanoi Westlake. T.P.C Development Ltd là đơn vị bí ẩn nào. Theo tìm hiểu, T.P.C Development Ltd được biết đến là một thành viên của Berjaya Vietnam Holdings Limited.
Đến năm 2019, Công ty TNHH Phát triển Du lịch khách sạn Hà Nội mua lại toàn bộ vốn của Berjaya Corporation Berhad với giá 1.244 tỷ đồng. Nghĩa là so với giá trị thực đã được định giá (417 tỷ đồng), số tiền mà Berjaya Corporation Berhad thu về có thể lớn hơn rất nhiều.
Sau thương vụ này, Intercontinental Hanoi Westlake từ nhiều chủ đã về trạng thái gần như chỉ có chủ duy nhất. Trên sổ sách, Công ty Phát triển Du lịch Hữu hạn Làng Nghi Tàm, pháp nhân sở hữu Intercontinental Hanoi Westlake, có hai cổ đông là Công ty TNHH Phát triển Du lịch khách sạn Hà Nội (75% vốn) và Thăng Long GTC (25% vốn).
Thế nhưng, Intercontinental Hanoi Westlake lại nằm trong "hệ sinh thái" BRG vì thực tế tất cả đều liên quan đến BRG của bà Nguyễn Thị Nga. Sau khi Thăng Long GTC cổ phần hóa, bà Nguyễn Thị Nga trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này.
CHỦ THÁI LAN THÁO CHẠY
Câu chuyện Berjaya Corporation Berhad bước vào Intercontinental Hanoi Westlake như thế nào hoàn toàn nằm trong bóng tối. Dư luận chỉ xôn xao trước thông tin Công ty TNHH Phát triển Du lịch khách sạn Hà Nội, nơi ông Trần Trung Tuân - một nhân sự cấp cao cũ tại nhiều đơn vị liên quan đến BRG, nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị mua lại 75% vốn khách sạn với giá 1.244 tỷ đồng.
Thương vụ Berjaya Corporation Berhad thoái vốn diễn ra trong năm 2019. Trước đó, tình hình tại InterContinental Hanoi Westlake không được lãnh đạo Berjaya Corporation Berhad đánh giá cao. Tỷ lệ lấp đầy tại khách sạn Berjaya Corporation Berhad kém lạc quan khi chỉ tăng 2,9% lên 64% trong năm 2013.
Đánh giá về tương lai, Berjaya Corporation Berhad lúc này dự báo hoạt động của InterContinental Hanoi Westlake tiếp tục gặp khó khi nguồn cung phòng khách sạn cao cấp lại tăng mạnh do Việt Nam tăng trưởng kinh tế cao. Vì vậy, InterContinental Hanoi Westlake phải lên phương án chuyển một phần khách sạn thành căn hộ dịch vụ.
Đến năm 2018, trước thềm thoái vốn, Berjaya Corporation Berhad đã tìm được khoản đầu tư mới: xổ số. Năm 2016, Berjaya doanh nghiệp này bắt đầu đầu tư vào Vietlott. Berjaya Corporation Berhad đặt niềm tin rất lớn vào mô hình kinh doanh này.
Trong báo cáo thường niên năm 2018, Berjaya Corporation Berhad lạc quan: "Tính đến ngày 30/4/2018, hoạt động kinh doanh đã mở rộng đến 34 tỉnh (có 63 tỉnh ở Việt Nam), với khoảng 3.500 thiết bị đầu cuối. Công ty ghi nhận doanh thu phí cao hơn 410 tỷ đồng trong năm tài chính đang soát xét so với 266 tỷ đồng trong năm tài chính trước đó đến từ việc bán vé số cao. Trong tương lai, hoạt động này có kế hoạch mở rộng ra 20 tỉnh thành khác và dần dần giới thiệu thêm nhiều trò chơi mới ra thị trường trong suốt năm tài chính tiếp theo.
Ngoài ra, Berjaya Corporation Berhad dường như không muốn tập trung vào mảng bất động sản nghỉ dưỡng mà dành nhiều nguồn lực cho căn hộ. Berjaya Corporation Berhad dành hàng ngàn tỷ đồng cho các dự án Topaz Twins, Bien Hoa City, Hanoi Garden City…
THĂNG LONG GTC "TREO" TRĂM TỶ ĐỒNG VÌ LỖ
Chủ sở hữu Intercontinental Hanoi Westlake chưa bao giờ hé lộ tình hình hoạt động của mình. Nhưng Công ty nghiên cứu VIRAC đã khiến không ít người bất ngờ khi công bố Công ty Phát triển Du lịch Hữu hạn Làng Nghi Tàm đã bị âm vốn chủ sở hữu lên đến 875 tỷ đồng vào cuối năm 2015.
Trong năm 2014 và 2015, Công ty Nghi Tàm đạt doanh thu 345,5 tỷ đồng và 378,4 tỷ đồng. Doanh thu lớn nhưng công ty này lại thua lỗ tới 41,7 tỷ đồng và 26,5 tỷ đồng.
Sau đó, lợi nhuận doanh nghiệp không được tiết lộ. Chỉ biết doanh thu năm 2016, 2017 và 2018 của công ty này lần lượt đạt khoảng 337,2 tỷ đồng, 410 tỷ đồng và 429 tỷ đồng.
Dù công ty liên kết Công ty Phát triển Du lịch Hữu hạn Làng Nghi Tàm âm vốn chủ sở hữu từ lâu, phải đến năm 2017, Thăng Long GTC mới lần đầu tiên trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này với số tiền lên đến 109 tỷ đồng.
Ngoài ra, một công ty liên doanh khác cũng thua lỗ là Đại Chân Trời. Đại Chân Trời khiến Thăng Long GTC phải chi 9,6 tỷ đồng trích lập cho khoản đầu tư trị giá 14,9 tỷ đồng.
Tính chung lại, trong năm 2017, Thăng Long GTC chi hơn 119 tỷ đồng cho dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn. Trong đó, phần lớn nằm ở khách sạn đẹp nhất Hồ Tây.
Đến năm 2018, Thăng Long GTC chỉ công bố báo cáo tài chính tóm tắt mà không có thuyết minh. Vì vậy, số trích lập cho Intercontinental Hanoi Westlake không rõ là bao nhiêu. Chỉ biết chỉ tiêu dự phòng đầu tư dài hạn tại GTC là 139 tỷ đồng và tăng lên 151 tỷ đồng trong năm 2019.
Có thể thấy, Intercontinental Hanoi Westlake đang trở thành "gánh nặng cho Thăng Long GTC. Số tiền hàng năm mà Thăng Long GTC phải chi ra để trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào Intercontinental Hanoi Westlake luôn lớn hơn lợi nhuận sau thuế. Lợi nhuận sau thuế năm 2017, 2018 và 2019 tại công ty này là 5,5 tỷ đồng, 84,3 tỷ đồng và 102 tỷ đồng.
Không chỉ có vậy, Thăng Long GTC và chủ sở hữu Intercontinental Hanoi Westlake còn từng "bất đồng" với một khoản vay lớn.
Tại thời điểm cuối năm 2017, Thăng Long GTC cho biết, Công ty phát triển Du lịch Hữu hạn Làng Nghi Tàm không đồng ý số dư công nợ phải trả là 70.000 USD và cho rằng số tiền mà Thăng Long GTC phải trả là 100.000 USD. Đến thời điểm lập báo cáo tài chính năm 2017, hai bên vẫn chưa thống nhất được số dư công nợ.
Tuy nhiên, Thăng Long GTC khẳng định nghĩa vụ phải trả với công ty Nghi Tàm là 70.000 USD đã được phê duyệt theo Quyết định số 2439/QĐ-UBND ngày 28/5/2015 của UBND thành phố Hà Nội.