iMoney số 6: Mang tiền về cho mẹ, 9X kiếm 300 triệu đồng trong 3 tháng
(Dân trí) - Để mang tiền về cho mẹ xây nhà, Nguyễn Thùy Trang, 27 tuổi, từng làm tới... 10 công việc một lúc trong vòng 3 tháng để thu về hơn 300 triệu đồng. Nhưng câu chuyện của Trang cũng gây tranh cãi.
Nguyễn Thùy Trang sinh năm 1995, người gốc Hải Phòng. Trang từng nổi đình nổi đám trên các diễn đàn, mạng xã hội với thành tích "3 tháng kiếm 300 triệu đồng" để thêm vào xây nhà cho cha mẹ hay "đốt" hơn 600 triệu đồng để đi du lịch khắp Đông Á, Đông Nam Á, Việt Nam trong vòng 2 năm.
Dù thế, Trang vẫn dùng chiếc smartphone "ghẻ", "đi xe cup" và đắn đo mỗi khi vào tiệm mua chiếc áo trên 200.000 đồng vì cảm thấy… chúng quá đắt.
Việc gì cũng nhận, miễn là có tiền
Trang từng nổi đình nổi đám trên các diễn đàn, mạng xã hội với câu chuyện 3 tháng kiếm hơn 300 triệu đồng khi làm 10 công việc một lúc, vậy đó là những công việc gì?
- Nghề freelancer bận rộn nhất là dịp cuối năm khi các phòng marketing đua nhau giải ngân với tiệc cuối năm, thì đây cũng là thời điểm dân trong nghề chúng tôi gọi là "thời điểm vàng" hái ra tiền, tính từ tháng 10 cho đến tháng 12. Trong đó, tháng 10 là bình thường, tháng 11 là cao điểm, tháng 12 là tháng cao điểm nhất nên 300 triệu đồng mà tôi kiếm được trong năm 2020 trùng vào đúng dịp này.
Khi đó, mở mắt ra là các job (công việc) cứ nườm nượp kéo đến. Khách mới, khách cũ cứ liên tục đặt hàng. Với các job này, tôi thường làm theo kiểu cuốn chiếu và tranh thủ vào các buổi tối. Nếu không kịp thì buổi trưa tôi sẽ không ngủ để làm… Đó cũng là lý do tôi kiếm được nhiều tiền (cười).
Tôi có một tính là dù khối lượng công việc ra sao, tôi cũng cố hoàn thành trong ngày và phân chia thời gian khoa học vì tôi đang phải kiêm nhiệm, làm khá nhiều việc và ăn lương full-time (toàn thời gian) ở 2 công ty khác nhau với cương vị leader marketing. Thế nên, làm việc ở đâu, tôi cũng phải hoàn thành tốt.
Tuy nhiên, tôi cũng đặt ra giới hạn cho bản thân là công việc nhiều thế nào thì chỉ làm đến 2h sáng là ngủ vì sức khỏe của tôi cũng đi xuống rồi. Tôi không "cày" 20 tiếng/ngày như thời sinh viên nữa vì không khoa học.
Ngoài ra, tôi thấy mình có một ưu điểm là người có hiệu suất công việc cao. Nhờ thế, hết tháng 12, tôi kiếm được hơn 300 triệu đồng và vay thêm bạn bè hơn 100 triệu đồng để mang về phụ bố mẹ xây nhà vì khi đó mẹ gọi lên nói vẫn bị thiếu.
Khi nhận việc, Trang có nhìn vào số tiền rồi mới gật đầu hay không?
- Tôi không! Job nào tôi cũng nhận, bao nhiêu tiền tôi cũng nhận nếu thấy mình có thể đáp ứng, đây đúng kiểu là năng nhặt chặt bị.
Có job tôi nhận viết kịch bản, job thì làm nhạc chế, diễn xuất, content viral, booking quảng cáo, viết báo giấy, lên nội dung cho TikToker, làm thương hiệu cá nhân, quản lý kênh social cho các KOL nhỏ… nói chung là đủ nghề trừ... bán vé máy bay vì khi đó, thị trường hàng không đang bị đóng băng do dịch Covid-19.
Từng nhận mình là người mê tiền, vậy Trang bắt đầu kiếm tiền từ khi nào?
- Tôi bắt đầu kiếm tiền từ hồi học lớp 2, lớp 3 thì phải. Khi đó, tôi cộng tác với báo Văn tuổi thơ, báo Toán tuổi thơ với khoản nhuận bút đầu tiên là 30.000 đồng. Sau đó, tôi cộng tác với báo Thiếu Niên Tiền Phong, Hoa Học Trò và nhiều báo mạng điện tử khác.
Nói chung, nghề viết theo tôi từ nhỏ đến lớn và giúp tôi kiếm tiền. Khi vào đại học, tôi đi làm gia sư, diễn kịch, bán quần áo, bán đồng hồ, bán vé máy bay... để lấy tiền.
Thời sinh viên, có đợt tôi còn tham gia đóng giả cổ động viên, người hâm mộ cuồng nhiệt chạy theo xe của ca sĩ tại sân bay để đổi lấy 60.000 đồng.
Nói chung, tôi là người mê tiền và đúng hơn là người yêu tiền (cười).
Đến giờ, số tiền mà chị kiếm được nhiều nhất trong một ngày là bao nhiêu?
- Khoảng 200 triệu đồng - đây là số tiền tôi mở bán khóa học vào tháng 8/2021. Lúc đó không hiểu sao, mọi người đồng loạt đăng ký, chuyển tiền vào ngày này nên tài khoản tôi cứ nẩy số liên tục. Nhưng tôi khẳng định, đây là "trái ngọt" do công sức rất nhiều năm của tôi cố gắng mà thành, chứ không phải ngày một, ngày hai hay một chốc một lát mà tôi làm ra được thế.
Còn con số tôi nhớ nhất là số tiền mà tôi kiếm được vào năm 2019 khi hàng không có chương trình mở bán vé máy bay quốc tế 0 đồng. Lúc đó, tôi đã ngồi lì trong nhà từ 7h sáng đến 7h tối, không ăn không uống, không đi vệ sinh chỉ để chốt đơn cho khách. Và lợi nhuận, tôi thu về là khoảng 10% của 120 triệu đồng.
Có khi nào chị bị nói là ki bo, tằn tiện với bản thân?
- Nhiều người vẫn nói tôi thế mà. Tôi có giàu lên thì vẫn "phèn" thế thôi, không thay đổi. Tôi hài lòng với mức sống tối giản, tằn tiện như thời sinh viên nên tôi có nhiều tiền hơn vẫn sống thế. Với tôi, mọi thứ trên 200.000 đồng đều là đắt.
Nhiều người họ giàu lên thì mức sống, mức sinh hoạt sẽ cao hơn, nhu cầu cuộc sống bành trướng lên, còn tôi thì ngược lại. Cả kể, tôi có kiếm được 50 - 100 triệu đồng/tháng thì tôi vẫn chỉ chi tiêu 5 - 6 triệu đồng/tháng cho bản thân, không khác gì. Hạnh phúc với tôi chỉ là được ăn một bữa ngon, vậy thôi!
Bỏ 30 triệu đồng đầu tư chứng khoán kiểu "phím hàng" nhưng muốn tìm hiểu tử tế, không ăn xổi
Với khoản tiền kiếm được kha khá, Trang đã tiêu những gì?
- Trước đây, tôi kiếm được bao nhiêu tiền thì đều cất hết. Nếu tiêu, chủ yếu là mua nội thất, sắm sửa đồ dùng cho gia đình, còn đâu thì gửi tiết kiệm.
Khoản tiền đầu tiên tôi gửi tiết kiệm là từ năm hai đại học. Khi đó, vào một ngày trời mưa tầm tã, tôi hí hửng cầm 5 triệu đồng ra một chi nhánh ngân hàng trên đường Lê Đức Thọ (Hà Nội) để gửi.
Tôi có thể chia ra mấy giai đoạn như sau: Trước năm 2018, tôi chỉ có kiếm tiền và cất. Từ năm 2018 đến 2020 là giai đoạn "đốt" tiền, tôi dành phần lớn số tiền kiếm được (tiền tích cóp và tiền kiếm thêm) để đi du lịch và phụ giúp cha mẹ xây nhà. Còn từ năm 2021, tôi đã biết tiết kiệm, đầu tư và chi tiêu khoa học hơn.
Tuy nhiên, dù kiếm được nhiều tiền hay ít tiền, tôi vẫn sống hay sinh hoạt với một mức chi phí như thời xưa cũ. Như hiện tại, tôi vẫn dùng điện thoại "ghẻ", đi xe mượn của bạn và đắn đo mỗi khi vào tiệm mua chiếc áo trên 200.000 đồng vì cảm thấy… chúng quá đắt.
Hiện tại, chị đầu tư những gì?
- Tôi dành một phần gửi tiết kiệm, một phần đầu tư chứng khoán, một phần gửi bảo hiểm, còn đâu dành quỹ du lịch. Năm nay, tôi bỏ ra 30 triệu đồng "nướng" vào chứng khoán, lỗ cũng có chút nhưng tổng kết lại là lãi nhiều hơn. Đó là một may mắn chứ không phải đến từ nỗ lực.
Động lực thôi thúc tôi chơi chứng khoán bắt nguồn từ việc mỗi ngày, tôi đến cơ quan đều nghe thấy sếp, đồng nghiệp của mình nói về chứng khoán trong khi mình lại không biết gì.
Lúc đó, tôi mới hỏi mọi người, bao nhiêu tiền có thể bắt đầu đầu tư được thì mọi người đưa ra con số là 5 triệu đồng. Số tiền này, tôi lo liệu được nên quyết xuống vốn luôn, sau đó thì cứ tăng thêm. Tuy nhiên, những lần đầu tư này, tôi nghe "chỉ điểm" là nhiều nhưng về lâu về dài, tôi cũng định học hành, tìm hiểu tử tế… chứ không thể mãi ăn xổi.
Luôn nghĩ nhà mình khó khăn nên phải kiếm tiền, mơ tự do tài chính ở tuổi 35-40
Kiếm tiền một cách điên cuồng như thế, chị có thấy mệt mỏi, áp lực?
- Tôi khác với mọi người ở chỗ là nếu người nào đó sinh ra ở một gia đình có kinh tế khó khăn thì lúc có biến cố xảy đến, họ thường sẽ oán trách số phận khi không có được nhiều cơ hội như người khác, tại sao họ phải gánh vác việc này… nhưng tôi thì hiếm, gần như là không.
Tôi bị một bệnh là "make over", nghĩa là tưởng tượng quá đà. Tôi luôn nghĩ nhà mình khó khăn lắm dù thực tế không đến mức khó khăn như vậy. Thế nên, tôi có động lực kiếm tiền khủng khiếp luôn và tránh xa những thứ xa xỉ phẩm.
Nhiều bạn có nhắn tin hỏi tôi là bạn ấy muốn thay đổi cuộc sống nhưng không có động lực kiếm tiền. Tôi có bảo thẳng các bạn là, bạn phải có một nội lực cực kỳ mãnh liệt thì mới có thể thực hiện được hết mong muốn đó. Bạn phải có một quyết tâm thay đổi, động lực cực cao thì có khó khăn, vấp ngã đến đâu, bạn mới có thể đi tiếp được.
Cụ thể như tôi, tôi luôn nghĩ mình phải kiếm tiền để lo trước lo sau, lo cho ba mẹ sau già ra sao, làm sao có tiền lo cho em gái vào học trường nọ trường kia, mua cho em chiếc điện thoại, xe máy thế nào, kiểu thế… nên tiền với tôi là niềm tin, là sức mạnh.
Dạng thứ hai là bạn có một hoàn cảnh khó khăn hay có một câu chuyện cảm động tác động đến bạn mới có thể khiến bạn thay đổi. Chứ bạn sống trong giàu sang sẵn có, cuộc sống cứ bình bình thì sức ì trong bạn sẽ cực lớn và bạn sẽ không thể vượt qua nổi. Tôi không phải nói tất cả, nhưng đa phần là vậy.
Nhưng tôi tin rằng dù bạn ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù giàu sang hay nghèo đói, chỉ cần bạn có quyết tâm thì mọi thứ đều trở nên đơn giản và có thể chinh phục dễ dàng.
Chị đã thấy mình tự do tài chính chưa?
- Tôi chưa! Nếu muốn tự do tài chính thì tôi phải kiếm được số tiền gấp 25 lần tổng chi tiêu một năm. Theo tôi, người tự do tài chính phải là người biết đầu tư, bất kể đầu tư vào đâu từ chứng khoán, bất động sản, vàng hay startup… để tạo ra dòng lãi ổn định. Còn tôi, tôi chưa làm được điều đó và kiến thức quản lý tài chính cá nhân của tôi còn khá nông cạn. Với lại, định hướng của tôi khác rất nhiều người.
Ví dụ, mục tiêu lớn trong đời của nhiều người là mua nhà, mua ô tô, lấy chồng và sinh con, còn mục tiêu của tôi là đi du lịch vòng quanh thế giới và mở viện dưỡng lão cho những người đam mê xê dịch, đồng điệu tâm hồn. Đó là chưa kể, những mục tiêu này có thể thay đổi theo thời gian, năm tháng.
Giả sử như bạn sinh con thì mức tự do tài chính của bạn sẽ cao hơn hồi độc thân. Như tôi, tôi vẫn có nhu cầu, mục tiêu như người bình thường, chẳng qua, tôi có một niềm đam mê mãnh liệt khác là du lịch. Nếu chọn đi du lịch, bạn sẽ không có con số ấn định trước và bạn không thể biết trước, số tiền sẽ chi tiêu là nhiều hay ít.
Thế nên, mốc tự do tài chính tôi mong ước là 35 - 40 tuổi nhưng phần lớn là hy vọng thôi. Tôi đang nghiên cứu nhiều tài liệu hơn để học hỏi về những điều mới mẻ này.
Nếu muốn đóng góp nội dung cho chúng tôi, bạn có thể chia sẻ câu chuyện, kinh nghiệm tiêu dùng, đầu tư của mình trong phần bình luận các bài viết iMoney, hoặc gửi email về: imoney@dantri.com.vn.
Bạn cũng có thể đặt những câu hỏi về đầu tư, tiêu dùng để đội ngũ chuyên gia của iMoney tư vấn, giải đáp.