iMoney số 18: Làm gì khi thị trường liên tiếp bủa vây bởi tin đồn?

Hoàng Dung Văn Hưng

(Dân trí) - Nhìn ở góc độ khách quan, những tin đồn xuất hiện trên thị trường là bài kiểm tra tâm lý miễn phí cho giới đầu tư. Vậy bạn chọn tâm lý vững tin hay hoảng loạn trước tin đồn?

Bài kiểm tra tâm lý mang tên "tin đồn"

Huyền My, sinh năm 1999, nhân viên truyền thông ở Hà Nội mới gia nhập thị trường chứng khoán được 2 năm. Với số vốn ít và chưa có kinh nghiệm nhiều, My chỉ chọn cổ phiếu penny để chơi.

Nửa đầu năm 2021, My khá mát tay khi đầu tư đâu thắng đó nhưng nửa cuối năm thì cơn ác mộng mới thực sự bắt đầu. Vào tháng 7/2021, cô khá run khi thị trường xuất hiện những tin đồn về cổ phiếu ngân hàng và thép khi thiên hạ đồn nhóm vốn hóa lớn sẽ bước vào đợt điều chỉnh sâu. Vì quá hoảng loạn nên My thoát hàng gần hết số cổ phiếu ngân hàng và chấp nhận lỗ nhưng sau đó diễn biến thị trường hoàn toàn trái ngược. My đã nhận về một bài học đắt giá về tâm lý khi gia nhập chứng trường.

Nói về tin đồn thất thiệt trên thị trường chứng khoán, anh Trọng Hải (31 tuổi, kiểm toán viên) lại nhớ đến câu chuyện thời còn là sinh viên. Hồi ấy, chứng khoán chưa phổ biến như bây giờ, anh Hải tập tành đầu tư và bắt đầu với những mã cổ phiếu cơ bản. Thời gian đầu, danh mục của anh Hải có lãi dù chỉ là vài phần trăm. Anh Hải phấn khởi và nghĩ có thể kiếm tiền từ kênh đầu tư này. Rồi bất ngờ hàng loạt tin đồn tiêu cực liên quan đến chủ tịch các ngân hàng lớn bung ra, cổ phiếu giảm giá.

Có kinh nghiệm hơn, bạn anh Hải khuyên anh nên bình tĩnh, xác thực thông tin. Dù sau đó quyết định giữ cổ phiếu và tìm hiểu thông tin, tài khoản của anh vẫn từ lãi thành lỗ.

"Thời điểm đó, khoản lỗ không lớn nhưng tất cả tiền của một cậu sinh viên đã dồn hết vào chứng khoán. Ai biết đều nhìn vào và coi chứng khoán là một kênh đầu tư mạo hiểm. Tin đồn ác ý làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư", anh Hải nói.

Hay mới đây, thị trường cũng rung lắc với hàng loạt tin đồn. Mở cửa thị trường phiên 28/3, một loạt cổ phiếu họ "FLC" và cổ phiếu đầu cơ dòng bất động sản đồng loạt giảm sàn mà nguyên nhân được cho là tâm lý đám đông bị tác động bởi một số tin đồn lan truyền từ tối 27/3. Cả 3 mã trong tài khoản của Duy Hiếu (27 tuổi, lập trình viên) đều khoác màu xanh lơ.

"Các cổ phiếu tôi nắm giữ đều đang tăng tốt, rồi đến một buổi sáng, tài khoản bốc hơi 7%. Không có thông tin gì liên quan đến doanh nghiệp, trên mạng cũng chỉ xuất hiện những tin đồn", Duy bức xúc.

Sau tin đồn, đến khi tin chính thức về việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC khi đó - bị bắt vào ngày 29/3, thì đến phiên 30/3, thị trường lại phản ứng khá nhẹ nhàng. Giảm sàn chỉ diễn ra với cổ phiếu, nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết. 

iMoney số 18: Làm gì khi thị trường liên tiếp bủa vây bởi tin đồn?  - 1

Tin đồn - bài kiểm tra tâm lý miễn phí cho nhà đầu tư trẻ (Ảnh: Hải Long).

Chung tâm trạng, Tuấn Nam, 25 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội cũng mất ăn mất ngủ với cổ phiếu FLC. "Tôi đang nắm giữ 9.000 cổ phiếu FLC, tính ngày 29/3 là tôi đang lỗ gần 9% khi thị trường xuất hiện tin đồn. Lúc đó, nhìn bảng điện mà tôi như muốn phát điên vì không thoát được hàng. Giả sử có khớp được lệnh thì tôi cũng không muốn bán vì xác định bán là lỗ", Nam nói.

Đây không phải lần đầu tiên Nam đầu tư cổ phiếu "họ" FLC nhưng may mắn ở những lần trước là anh đều thắng đậm. Do đó, đến lần thứ 3, anh đã tất tay mua 9.000 cổ phiếu FLC với hy vọng lãi lớn, ăn dày.

Nam thừa nhận, mình không hiểu nhiều về thị trường nên mọi cổ phiếu đang đầu tư đa phần là nghe phím. Dù nhiều người cảnh báo về anh các loại cổ phiếu không có độ tin cậy cao nhưng chàng trai vẫn bỏ ngoài tai. Nam cho rằng, mình từng lãi lớn với chúng và đó là "duyên phận" nhưng lần này, có lẽ, Nam hết "duyên" thật rồi.

Quá hoảng loạn, Nam gia nhập hội "những người ôm cổ phiếu FLC" trên zalo. Khác với kỳ vọng tìm được câu trả lời cho số hàng đang nắm giữ, Nam còn thấy đau đầu hơn khi nhóm tư vấn thì ít, mồi chài người chơi sang "hàng nóng" khác thì nhiều. Thấy bất ổn, Nam rời nhóm và tự đi tìm cho mình lời giải.

Nhà đầu tư nên ứng xử ra sao với tin đồn?

Đưa ra lời khuyên với các nhà đầu tư khi có tin đồn, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư S-Talk - cho rằng trước hết cần quan sát và ra quyết định thật nhanh đầu phiên. Kế tiếp là xác định những tin mang tính cục bộ một nhóm cổ phiếu (nếu giả sử là thật) có thể sẽ lan ra cho nhóm ngành liên quan, không loại trừ sẽ lan cả thị trường.

"Đừng nghĩ đó là sự vô lý vì thị trường chứng khoán được ví như một cơ thể, bất cứ bộ phận nào bị sự cố, đều sẽ làm cơ thể yếu mệt", ông Điệp lưu ý.

Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận, thông thường, những ảnh hưởng cục bộ sẽ tác động tức thời và ngắn hạn. Kinh nghiệm chỉ ra rằng nếu tin đồn không có thật, câu chuyện sẽ kết thúc hoàn toàn trong 1,5 phiên. Trong trường hợp sự việc có thật, nhóm cổ phiếu của vụ việc sẽ rơi sâu và kéo dài, nhóm liên quan có thể sẽ mất khoảng 15% trong thời gian 3-4 phiên, thị trường chung sẽ mất 5-8% trong vòng 2-3 phiên.

"Như vậy trong mọi trường hợp, vùng 1.450 là vùng cận đáy" - ông Điệp phân tích.

Ông cũng cho biết, mỗi lớp nhà đầu tư có trạng thái tài khoản, danh mục đầu tư khác nhau, tâm lý cũng như khả năng chịu đựng khác nhau, đều cần phải xây dựng kế hoạch và xử lý chuyên biệt.

iMoney số 18: Làm gì khi thị trường liên tiếp bủa vây bởi tin đồn?  - 2

Khi thị trường chứng khoán xuất hiện những tin đồn thì nhà đầu tư nên bình tĩnh (Ảnh: Hải Long).

Còn ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch Công ty Chứng khoán DNSE - cho rằng, khi thị trường chứng khoán xuất hiện những tin đồn thì nhà đầu tư nên bình tĩnh. "Vì bất kỳ thông tin nào phát ra sẽ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nhóm cổ phiếu trên thị trường. Nhà đầu tư cần phải sáng suốt, cân nhắc xem những thông tin đó có ảnh hưởng tới nội tại của doanh nghiệp hay không", ông nói.

Đồng thời, ông Giang cũng khuyên các nhà đầu tư khi gặp phải tình huống trên không nên vội vã thoát hết hàng mà cần tỉnh táo đánh giá và lựa chọn từng mã trên danh mục. Trong trường hợp nhà đầu tư muốn lao vào bắt đáy thì nên lựa chọn những cổ phiếu tốt. "Nhà đầu tư cần căn chỉnh lại danh mục vì có những luồng thông tin đưa ra sẽ kéo theo làn sóng cảm xúc của người chơi. Vì một số nhà đầu tư sẽ thoát hàng mà không quan tâm đến điều cơ bản của doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội tốt cho người khác điều chỉnh lại danh mục của mình và chọn mua với giá tốt", ông Giang nhấn mạnh.

Nhận định về thị trường trong thời gian tới, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS), cho biết thị trường chứng khoán vẫn rất ổn.

Thứ nhất là thanh khoản giao dịch tốt, dòng tiền mạnh mẽ. Giá trị giao dịch trong tháng 3 đã tăng mạnh so với tháng 2 (có tháng Tết). Tâm lý của nhà đầu tư cũng tốt.

Yếu tố thứ hai hỗ trợ thị trường là sự phục hồi của kinh tế vĩ mô trong quý I. Dù con số không đạt được như mong muốn (tăng trưởng chỉ đạt khoảng 5,05%) tuy nhiên các yếu tố cân đối vĩ mô khác đều ổn định.

Yếu tố thứ ba là lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý I năm nay chắc chắn sẽ có sự khởi sắc do kinh tế vĩ mô phục hồi trở lại. Hơn nữa cũng đã sắp đến mùa họp đại hội đồng cổ đông, tại đây, các doanh nghiệp sẽ công bố một số báo cáo về kế hoạch kinh doanh. Hiện tại, một số doanh nghiệp cũng đã hé lộ kế hoạch kinh doanh khá sáng sủa.