iMoney số 15: Giới trẻ "chết chìm" với kiểu "kiếm 10 tiêu 11"

Hoàng Dung Văn Hưng

(Dân trí) - Do không biết cách chi tiêu, quản lý tài chính khoa học, không ít bạn trẻ đã điêu đứng vì kiểu chi tiêu bạt mạng và không có kiểm soát.

Điêu đứng vì chi tiêu bạt mạng

Thời điểm ra trường và đi làm được 2 năm, Tuấn Sơn (27 tuổi, quê Hà Nam) mới chỉ để dành được vỏn vẹn 20 triệu đồng. Sau đó, bạn trẻ này vay thêm bạn bè 10 triệu đồng mua chiếc máy tính để bàn cấu hình cao để... chơi game.

Sơn không có kế hoạch quản lý tài chính cá nhân. Anh cho hay đơn giản là mỗi tháng cố gắng tiêu dùng sao cho vừa vặn với số tiền kiếm ra, nếu dư thì tốt. Có nhiều tháng, Sơn phải cần đến bố mẹ hỗ trợ tiền sinh hoạt hoặc vay nóng bạn bè.

Với mức lương trung bình 10 triệu đồng/tháng, bạn trẻ sinh năm 1996 chi phân nửa cho các chi phí cố định như 3,5 triệu đồng tiền thuê nhà, tiền điện nước khoảng 600.000 đồng, xăng xe 500.000 đồng, nạp tiền điện thoại 200.000 đồng. Một nửa còn lại thì phục vụ cho ăn uống, giao lưu bên ngoài, mua sắm và sở thích chơi game.

"Mình không đặt nặng vấn đề tiết kiệm khi còn trẻ bởi cố gắng cũng không để được nhiều hơn là bao", Sơn nói và khẳng định nếu tìm được công việc với thu nhập cao hơn, số tiền để dành được hàng tháng sẽ là phần dư của 10 triệu đồng.

Hồi tháng 4/2021, Sơn quyết định nghỉ làm ở công ty cũ vì cho rằng không được đánh giá đúng năng lực. Lúc này trong người chỉ còn 5 triệu đồng, anh cố gắng xoay xở trước áp lực tìm công việc mới thật nhanh, lại đúng thời điểm dịch đang căng thẳng và nhiều tỉnh thực hiện giãn cách xã hội.

Thật may là sau 2 tuần, Sơn được nhận vào một công ty tài chính đang cần người, với mức lương khởi điểm gần 14 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khoảng thời gian trước khi có công việc mới thực sự đáng nhớ với Sơn, khi phải cố gắng tiết giảm từng khoản chi phí, mà không dám nói với bố mẹ về quyết định nghỉ việc của mình. Sơn ước lúc đó có một khoản dự phòng đủ để tiêu xài thoải mái.

Chuyển sang môi trường mới với thu nhập cao hơn nhưng thực tế Sơn không để dư ra được đồng nào mỗi tháng, có chăng là không còn phải nhờ đến sự hỗ trợ tài chính từ bố mẹ nữa.

iMoney số 15: Giới trẻ chết chìm với kiểu kiếm 10 tiêu 11 - 1

Nhiều người trẻ "chết chìm" với kiểu "kiếm 10 tiêu 11"(Ảnh minh họa: Auscapade).

Tương tự, Hà Anh (26 tuổi, làm việc tại TPHCM) không có kế hoạch thu chi dẫn đến chuyện "làm 10 tiêu 11". Thu nhập quanh mức 20 triệu đồng/tháng, nhưng tài sản đáng giá nhất mà Hà Anh sở hữu sau hơn 2 năm đi làm chỉ là chiếc xe máy trị giá 60 triệu đồng.

Thậm chí kể từ khi có người yêu, cuối tháng, bạn trẻ này thường xuyên phải nhờ đến sự hỗ trợ tài chính từ đồng nghiệp, người thân. Khi được hỏi về quản lý tài chính cá nhân, Hà Anh chia sẻ trong đầu không có khái niệm này. "Hồi ở gần bố mẹ thì mình có tiết kiệm được một khoản nhỏ, nhưng vào đây làm việc (TPHCM) mình không để dư được đồng nào cả. Bạn bè xung quanh cũng chi tiêu như vậy", cô nói. 

Câu chuyện của Hà Anh cũng giống như Phương Nhung, 25 tuổi, một nhân viên truyền thông ở Hà Nội. Năm đầu tiên đi làm, Nhung không để ra được bất cứ số tiền tiết kiệm nào. Thậm chí, có tháng cô gái sinh năm 1997 còn xin thêm tiền của bố mẹ để chi trả các khoản sinh hoạt phí. Vì đầu tháng nào Nhung cũng tiêu quá tay nên cuối tháng chẳng còn đồng nào dự trữ.

Do là con một trong gia đình, Nhung được bố mẹ khá cưng chiều. Trong những năm đi làm, đều đặn mỗi tháng, bố mẹ Nhung sẽ đi xe từ Quảng Ninh lên Hà Nội để trả tiền thuê nhà, mua đồ ăn bỏ tủ lạnh sẵn cho con gái. "Sang năm đi làm thứ hai, tôi từ chối nhận chu cấp từ bố mẹ vì việc kinh doanh của nhà tôi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hơn nữa, tôi cũng đã đi làm, kiếm ra tiền nên không muốn bố mẹ lo cho mãi. Và mọi rắc rối chính thức bắt đầu từ đây", cô gái sinh năm 1997 nói.

Trung bình mỗi tháng, Nhung chỉ kiếm ra được 12 - 15 triệu đồng nhưng bản thân đều tiêu vượt con số đó. Do ở căn hộ khá tiện nghi, mỗi tháng, Nhung đều phải trả 5 triệu đồng tiền thuê nhà, chưa bao gồm tiền điện nước. Tiền điện thoại, xăng xe là 1 triệu đồng. Số tiền còn lại, cô gái Quảng Ninh dùng để ăn uống, mua mỹ phẩm, quần áo và đi cà phê với bạn bè.

"Chính ra tiền cà phê, mỹ phẩm, quần áo mới là thứ tốn kém khiến tôi chi tiêu bạt mạng. Vì có những tháng tôi ngồi cà phê không thiếu ngày nào còn mỹ phẩm, quần áo cứ thấy thích là mua dù không mặc đến. Do đó, tháng đầu tiên ra ngoài tự lập, tôi đã phải vay nóng bạn 5 triệu đồng để trả tiền thuê nhà", cô nhớ lại.

Sau này, để điều chỉnh chi tiêu cho phù hợp, Nhung đã chuyển về một căn nhà nhỏ hơn với giá thuê là 3 triệu đồng/tháng. Thậm chí, cô cũng hạn chế ăn ngoài mà tự nấu ăn ở nhà cho tiết kiệm, quần áo và mỹ phẩm chỉ mua khi cần để tránh lãng phí.

"Nhờ chi tiêu khoa học, sau một năm, tôi đã tiết kiệm được gần 40 triệu đồng và không bao giờ phải đi vay nợ bạn bè hay xin thêm tiền của bố mẹ. Để số tiết kiệm sinh ra lợi nhuận, năm trước, tôi đã mang đi đầu tư chứng khoán và có lãi được một chút", Nhung nói.

Quản lý tài chính bằng cách nào?

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia tài chính Trần Nhật Nam cho rằng, nguyên nhân khiến các bạn trẻ chi tiêu không hợp lý là không biết cách quản lý tài chính. Về lâu về dài, đây là mối nguy hiểm khiến mọi người rơi vào vòng xoáy nợ nần vì tiền làm ra đến đâu đều bị "nướng" vào những thứ vô bổ. Thậm chí, việc chi tiêu trên còn không tạo ra giá trị cho người sử dụng hay giá trị cho xã hội.

"Một số bạn trẻ đi làm có mức lương từ 10 - 15 triệu đồng/tháng nhưng mỗi tháng lại chẳng tiết kiệm được đồng nào, thậm chí còn rơi vào tình trạng vay nợ. Thông thường, những người này nhận lương đầu tháng sẽ chi tiêu bạt mạng rồi đến cuối tháng chẳng còn gì. Nếu các bạn giữ thói quen như thế này thì mãi mãi không có tích trữ, không có tiền tiết kiệm để phòng thân", vị chuyên gia nói.

Đồng thời, ông Nam cũng cho hay, hiện nay, giới trẻ có 2 xu hướng cất giữ tiền: Thứ nhất là cứ tiêu tiền trước còn bao nhiêu thì tiết kiệm sau. Thứ hai là chia tiền thành các phần, tùy theo nhu cầu sử dụng rồi mới chi tiêu. "Nếu được chọn, tôi sẽ khuyên mọi người chọn cách thứ 2 vì cách này sẽ kiểm soát được dòng tiền. Mọi người hãy trích ra 10 - 20% thu nhập hàng tháng tiết kiệm còn đâu mới chi tiêu, nếu dành ra được 30% thì càng tốt", ông khuyến cáo.

Tuy nhiên, theo ông Nam, việc phân chia dòng tiền chỉ là bài toán cộng trừ ban đầu. Bước tiếp theo mọi người cần làm chính là thực hiện bài toán nhân chia để tiền đẻ ra tiền. Với 10 - 20% tích lũy hàng tháng, mọi người hoàn toàn có thể mang đi đầu tư. "Giả sử, bạn làm ra 10 triệu đồng/tháng và mỗi tháng cất đi 2 triệu đồng thì sau 5 tháng, bạn đã có 10 triệu đồng. Với số tiền trên, bạn có thể gia nhập thị trường chứng khoán, gửi tiết kiệm hay mua trái phiếu, miễn sao để tiền đẻ ra tiền", ông phân tích.

Đồng thời, ông Nam cũng khuyến cáo các bạn trẻ là hãy đầu tư từ số tiền bản thân có không nên đi vay tiền để đầu tư. Lý giải về nhận định trên, vị chuyên gia cho biết, có nhiều người trẻ vì ham kiếm tiền nhanh đã bất chấp vay nợ để đầu tư mà không tìm hiểu thị trường. Vì đầu tư là việc không dễ dàng, không thể "ăn xổi" mà cần học hỏi, trau dồi kiến thức qua năm tháng.

iMoney số 15: Giới trẻ chết chìm với kiểu kiếm 10 tiêu 11 - 2

Nguyên nhân khiến các bạn trẻ chi tiêu không hợp lý là không biết cách quản lý tài chính (Ảnh: M.Q).

Còn ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital, doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ về tài chính doanh nghiệp, quản lý tài chính cá nhân - cho rằng để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, trước hết cần lập kế hoạch quản trị dòng tiền. Mục tiêu của quản trị dòng tiền không nhằm ở việc tiết kiệm, mà nhằm xác định dòng tiền ròng để đi đầu tư.

Dòng tiền được hiểu là sự chuyển động, lưu chuyển vào và ra hay thu và chi của các khoản tiền của một cá nhân. "Dòng tiền chính là mạch máu luân chuyển giữa các tài sản của chúng ta để tạo nên sự thịnh vượng. Mọi người hay nhầm giữa dòng tiền và tài sản", ông Tuấn nói. Để tách biệt, vị chuyên gia chia dòng tiền cá nhân thành 3 phân nhánh: dòng tiền thường xuyên, dòng tiền kinh doanh và dòng tiền đầu tư.

Theo đó, dòng tiền thường xuyên gồm những khoản thu hàng tháng, hàng năm (lương, thưởng và phụ cấp) và khoản chi cho sinh hoạt (tiền thuê nhà, ăn uống, học phí, bảo hiểm). Dòng tiền kinh doanh, mang tính chất ngắn hạn dưới 1 năm, gồm lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh (lãi góp vốn, thu hồi vốn góp) và các chi phí cho công việc kinh doanh (lương nhân viên, thuê mặt bằng, chi phí điện nước).

Cuối cùng là dòng tiền đầu tư, tối thiểu 3 năm, gồm lợi nhuận từ hoạt động đầu tư hoặc lợi nhuận do bán tài sản đầu tư (lợi tức từ trái phiếu, thanh lý bất động sản) và chi phí cho đầu tư hoặc các khoản lỗ ghi nhận do bán tài sản đầu tư (chi phí vay đầu tư).

Ông nhìn nhận đa phần sai lầm của các bạn trẻ là chưa tách bạch giữa các dòng tiền, thường "để tất cả trứng vào một rổ" để rồi dẫn đến các quyết định tài chính sai lầm. Việc tách ra 3 dòng tiền sẽ giúp kiểm soát từng dòng tiền và trả lời 2 câu hỏi: Từng dòng tiền có âm hay không? Dòng tiền tổng thể có âm hay không?

Từ kinh nghiệm cá nhân, ông Tuấn chỉ ra khi dòng tiền kinh doanh ngắn hạn thuận lợi, các bạn trẻ thường có xu hướng lấy tiền kinh doanh đi đầu tư dài hạn. Khi đầu tư thuận lợi thì thường tiếp tục tăng quy mô đầu tư, khi đầu tư bất lợi thì bị ảnh hưởng thiếu dòng tiền cho kinh doanh. Và khi đầu tư và kinh doanh bị kẹt, lại ảnh hưởng đến dòng tiền sinh hoạt gia đình hàng ngày.

Vấn đề hay gặp thứ hai là khi dòng tiền chưa mạnh, bạn trẻ đã nghĩ đến chuyện đầu tư - vốn là chuyện dài hạn. Cụ thể, khi dòng tiền thường xuyên chưa mạnh, thu chưa đủ chi nhưng lại muốn đầu tư dẫn đến vay nợ quá khả năng, khi thua lỗ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.

Theo ông Tuấn, dòng tiền sẽ thể hiện sức khỏe tài chính cá nhân thông qua phản ánh khả năng thanh toán. Sức khỏe tài chính khỏe khi tất cả dòng tiền dương ổn định và yếu khi tất cả dòng tiền đều âm hoặc dòng tiền âm/dương không ổn định. "Chính vì vậy, chúng ta cần tập trung để quản trị từng dòng tiền, đảm bảo là dòng tiền dương trước khi đi đầu tư để nếu có thua lỗ trong phạm vi cho phép, cũng không ảnh hưởng cuộc sống gia đình", vị chuyên gia nhấn mạnh.