1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

IMF: Nợ công toàn cầu sẽ vượt 100.000 tỷ USD năm nay

Cũng theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nợ công dự kiến sẽ sớm chạm ngưỡng 100% GDP toàn cầu.

Tổng nợ công toàn cầu được dự báo vượt 100.000 tỷ USD vào cuối năm nay, đòi hỏi các quốc gia phải có những động thái quyết liệt hơn nhằm ổn định hóa hoạt động vay vốn, đặc biệt tại các nước lớn, theo IMF. 

Nợ công, vốn bùng nổ trong giai đoạn đại dịch Covid-19, tiếp tục phình to khi nhiều quốc gia đẩy mạnh chi tiêu nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Dẫn đầu đà tăng nợ công chính là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, báo cáo mới đây của IMF chỉ rõ. 

Chính vì lý do này, nợ công dự kiến sẽ sớm chạm ngưỡng 100% GDP toàn cầu. IMF cảnh báo kế hoạch ổn định hoạt động vay mượn tại các quốc gia phát triển "hiện vẫn sơ sài hơn nhiều so với mức cần thiết". 

IMF: Nợ công toàn cầu sẽ vượt 100.000 tỷ USD năm nay - 1

IMF quan ngại về đà tăng nhanh nợ công toàn cầu (Ảnh: ET).

Báo cáo của IMF làm nổi bật đà gia tăng nhanh chóng của nợ công trong nửa thập kỷ trở lại đây khi đã cao hơn tới 10 điểm phần trăm so với thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Hiện tượng trên không co cụm ở một số quốc gia cụ thể mà được ghi nhận trên quy mô lớn. Theo nghiên cứu của IMF, các quốc gia sở hữu mức độ bất ổn nợ công lớn chiếm tới hơn một nửa nợ toàn cầu và 2/3 GDP toàn thế giới. 

"Các quốc gia cần đối phó với rủi ro nợ công thông qua các chính sách tài khóa thận trọng, vừa giúp bảo vệ tăng trưởng và người dân nhưng cũng tận dụng được lợi thế của chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ", IMF cho biết. 

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) bắt đầu giảm lãi suất điều hành chính là "cơ hội cho các nền kinh tế bắt đầu xây dựng lại nguồn lực tài khóa", IMF khuyến nghị. 

"Tại các quốc gia mà tỷ lệ nợ công được dự báo tăng nhanh, hành động chậm trễ sẽ khiến họ phải trả giá đắt hơn trong tương lai". IMF kêu gọi các nước này "thực hiện cải cách tài khóa toàn diện", bao gồm tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu, nhằm có thêm lượng tiền tương đương 3-4,5% GDP để kéo giảm nợ. 

"Các nền kinh tế phát triển cần tái ưu tiên các danh mục chi tiêu, đẩy mạnh cải cách, gia tăng doanh thu thông qua thuế gián tiếp và gỡ bỏ các chính sách hỗ trợ thuế không hiệu quả", IMF cho biết. 

Báo cáo của IMF được công bố tại thời điểm Trung Quốc cho biết sẽ đẩy mạnh các giải pháp tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế trong khi Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử tổng thống quan trọng. Kế hoạch kinh tế của hai ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris được dự báo sẽ làm gia tăng nợ liên bang của Mỹ hàng nghìn tỷ USD, theo kết quả một nghiên cứu gần đây của Ủy ban Ngân sách liên bang. 

Theo fica.dantri.com.vn