1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nghệ An:

Huyện Tương Dương triển khai mô hình "Điểm sáng phụ nữ vùng biên"

Huyền Duy

(Dân trí) - Thời gian qua, Hội LHPN huyện Tương Dương đã mạnh dạn triển khai mô hình "Điểm sáng phụ nữ vùng biên" tại bản Xốp Nặm, xã biên giới Tam Hợp và đã cho hiệu quả.

Huyện Tương Dương triển khai mô hình Điểm sáng phụ nữ vùng biên - 1

Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" trao 5 con bò giống cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để phát triển kinh tế.

Đồng hành cùng phụ nữ biên cương

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Sau một thời gian ngắn triển khai, sắc mới đang từng ngày đổi thay nơi bản biên viễn xa xôi này.

Một ngôi nhà khang trang, sạch sẽ nằm nép mình bên dòng Chà Lạp là niềm vui, sự tự hào của vợ chồng chị Lê Thị Xoan, ở bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An).

Huyện Tương Dương triển khai mô hình Điểm sáng phụ nữ vùng biên - 2

Trao nhà tình nghĩa cho gia đình chị Lê Thị Xoan.

Chi Xoan kể, trước  đây, do hoàn cảnh gia đình hai bên nội ngoại đều khó khăn, nên vợ chồng chị lấy nhau hơn 3 năm vẫn chưa có ngôi nhà kiên cố để ở. 

Mặc dù cả 2 vợ chồng nai lưng ra làm ăn, nhưng ở vùng biên giới xa xôi này, khí hậu không thuận lợi, mùa đông sương muối phủ dày, mùa hè nắng nóng gay gắt, trình độ lại hạn chế. Nên vợ chồng chị Xoan cũng như nhiều hộ dân trong bản cũng chỉ đủ miếng ăn, chưa bao giờ dám nghĩ sẽ có ngôi nhà kiên cố để ở. 

Huyện Tương Dương triển khai mô hình Điểm sáng phụ nữ vùng biên - 3

Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" đến nay tại xã Tam Hợp nhiều gia đình nghèo đã có nhà ở, phát triển kinh tế.

Đầu năm 2020, khi thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, với sự chỉ đạo trực tiếp của Hội LHPN tỉnh Nghệ An, Ban thường vụ Hội LHPN huyện Tương Dương đã chọn bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp để triển khai thực hiện. 

Niềm vui đến với gia đình chị Xoan, khi được các cấp hội hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết. Cùng với số tiền tích góp được của gia đình, chị Xoan đã cất dựng được ngôi nhà mới kiên cố. Từ nay gia đình chị không còn lo khi nắng, chạy khi mưa, mà xem đây là động lực để gia đình phấn đấu phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo trong thời gian sớm nhất.

Bản Xốp Nặm, là một trong 5 bản của xã biên giới Tam Hợp, giáp với đường biên giới Việt - Lào. Toàn bản có 81 hộ, với 310 nhân khẩu, trong đó 100% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế còn rất nhiều khó khăn. 

Huyện Tương Dương triển khai mô hình Điểm sáng phụ nữ vùng biên - 4

Xã Tam Hợp có diện tích tự nhiên 22683,85ha với hơn 87,15ha là lưu vực sông, suối, khe.

Xác định, với mục tiêu khi triển khai mô hình "Điểm sáng phụ nữ vùng biên", nhằm góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân. Đặc biệt, là hội viên phụ nữ về quy chế quản lý biên giới, nhận biết dấu hiệu đường biên giới quốc gia, mốc giới nơi mình cư trú, không xâm canh, xâm cư, giúp định hướng và hỗ trợ phát triển kinh tế, thực hiện xây dựng gia đình 5 không 3 sạch. 

Bước đầu triển khai kế hoạch, cũng gặp không ít khó khăn, vì nhận thức của người dân còn hạn chế, những thói quen sinh hoạt lạc hậu còn tồn tại. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp hội, đặc biệt là sự phối kết hợp của Đảng, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền. Nên người dân đã dần thay đổi được suy nghĩ và nhận thức. 

Các hội viên mô hình "Điểm sáng vùng biên" bản Xốp Nặm sinh hoạt văn nghệ.

Các hội viên mô hình "Điểm sáng vùng biên" bản Xốp Nặm sinh hoạt văn nghệ.

Bà Vi Thị Yêm, Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Hợp, phấn khởi chia sẻ: "Trong quá trình thực hiện mô hình, hội đã bám sát sự chỉ đạo của cấp trên và có kế hoạch cụ thể cho từng việc. Trong đó tập trung tuyên truyền đến các chi hội và ban quản lý bản Xốp Nặm về chủ trương chung. Sau đó chúng tôi chọn ra từng hộ khó khăn, lấy phụ nữ làm nòng cốt để thực hiện mô hình và được chị em nhiệt tình hưởng ứng. Từ đó ý thức chị em nâng lên nên các hoạt động, về văn hóa xã hội, phát triển kinh tế hộ gia đình đã từng bước thay đổi".

Để tạo sự đồng thuận trong hội viên, Ban thường vụ Hội LHPN huyện và xã đã chủ động trong việc phối kết hợp với các cấp, các ngành địa phương, Đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn xã. 

Từng ngày đổi thay nơi bản biên viễn 

Từ đầu năm 2020 đến nay, đã tuyên truyền và thu hút hàng trăm lượt người dân tham gia, về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những nội dung về quốc phòng - an ninh và quy chế biên giới, các văn bản liên quan đến phụ nữ và trẻ em. 

Bên cạnh đó, đã tổ chức cho nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực biên giới, ký cam kết tự quản đường biên, mốc biên giới. Đồng thời, các hội viên mô hình còn tham gia hàng nghìn ngày công vào các hoạt động chung tay xây dựng nông thôn mới. 

Định kỳ mỗi tháng 1 lần, hội phụ nữ xã Tam Hợp tổ chức sinh hoạt. Tại đây hội viên được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, học hỏi lẫn nhau và sẻ chia những khó khăn.

Định kỳ mỗi tháng 1 lần, hội phụ nữ xã Tam Hợp tổ chức sinh hoạt. Tại đây hội viên được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, học hỏi lẫn nhau và sẻ chia những khó khăn.

Đặc biệt, được sự quan tâm của Hội LHPN tỉnh nên đã giúp đỡ 3 hội viên xây dựng mới nhà đại đoàn kết; 3 gia đình được nhận bò giống và nhiều phần quà khác đến với các chị em hội viên để phát triển kinh tế. 

Bà Trần Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương cho biết: "Qua một năm thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", đến nay chúng tôi thấy đã có hiệu quả rõ rệt. Các việc làm đã tác động tích cực đến hành vi và nhận thức của hội viên; hội viên cũng đã có cái hưởng lợi từ những mô hình trên. Chúng tôi mong rằng, hội phụ nữ cấp trên và các cấp cần quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí để phát triển mô hình này hơn nữa. Hiện nay huyện Tương Dương chúng tôi còn 3 vùng biên chưa có mô hình này".

Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự tận tâm, trách nhiệm, hết lòng vì phong trào phụ nữ vùng biên của các cấp hội, những khó khăn của mô hình từng bước được gỡ bỏ. Thay vào đó là sự đổi thay ý thức, nhận thức của hội viên phụ nữ, trong việc tiếp nhận thông tin, chấp hành chủ trương đường lối, pháp luật của Nhà nước. 

Huyện Tương Dương triển khai mô hình Điểm sáng phụ nữ vùng biên - 7

Hội phụ nữ xã Tam Hợp là nòng cốt để tuyên truyền vận động hội viên tham gia mô hình "Điểm sáng vùng biên".

Hội viên đã ý thức được việc phát triển hội, phát triển kinh tế hộ, người được hưởng sẽ là chính mình. Vì thế, đã có rất nhiều hộ mạnh dạn tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư chăn nuôi theo hướng hàng hóa, để cùng xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc ấm no. 

Có thể thấy rằng, mô hình "Điểm sáng vùng biên" tại bản Xốp Nặm đã góp phần lớn vào sự đổi thay ở xã biên giới Tam Hợp nói riêng và huyện vùng cao Tương Dương nói chung.

Tam Hợp cách trung tâm huyện 27km, đoạn biên giới quốc gia chạy qua xã dài 9km, được bố trí 02 cột mốc 425, 426 và 05 cọc dấu, có lực lượng nòng cốt bảo vệ biên giới là Đồn Biên phòng Tam Hợp.

Huyện Tương Dương triển khai mô hình Điểm sáng phụ nữ vùng biên - 8

Tam Hợp tiếp giáp với huyện Viêng Thoong - tỉnh Bolikhamxay (Lào), có lực lượng bảo vệ biên giới Bạn là Đại đội 251 Biên phòng Lào.

Xã Tam Hợp có diện tích tự nhiên 22683,85ha với hơn 87,15ha là lưu vực sông, suối, khe.

Tam Hợp có 5 bản gồm: Bản Phồng, bản Xốp Nậm, bản Văng Môn, bản Phá Lõm và bản Huồi Sơn với 507 hộ và 2.347 khẩu, trong đó hộ nghèo 184 hộ, chiếm tỷ lệ 36,29%.

Xã có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống là: H'Mông, Tày Pọong, Thái, Khơ Mú và dân tộc Kinh, trong đó người H'Mông chiếm 34,7%.