1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lâm Đồng:

Hồng Đà Lạt ế ẩm vì bị hồng Trung Quốc lấn át

(Dân trí) - Hồng ăn trái Đà Lạt - Lâm Đồng là một đặc sản đặc trưng của địa phương, đang bị lấn át bởi hồng nhập từ Trung Quốc. Chính vì vậy, trái hồng Lâm Đồng trở nên ế ẩm, địa phương cũng không còn mặn mà với loại cây trồng này.

Mấy ngày nay, nhiều chủ vựa chuyên thu mua trái hồng ở thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đã tạm ngưng kinh doanh vì các đầu mối lớn ở khắp nơi đều thông báo không nhập hàng hồng Lâm Đồng.

Nguyên nhân là do đặc sản hồng ăn trái mang thương hiệu Đà Lạt - Lâm Đồng đã bị sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc “đánh bật” ngay tại thị trường trong nước. Đặc biệt là trên thị trường đã có sự giả danh, đánh đồng giữa hồng ăn trái ngoại nhập với hồng Đà Lạt - Lâm Đồng khiến người tiêu dùng e ngại.

Theo ông Phạm Ngọc Quang, ở thôn Phú Thuận, thị trấn D’ran (Đơn Dương), cây hồng ăn trái đã bám rễ trên vùng đất này hơn 60 năm qua, và đây là một trong những loại cây trồng chủ lực đã từ lâu mang thương hiệu đặc sản Đà Lạt - Lâm Đồng.

“Đầu mùa hồng còn có giá trên 10.000 đồng/kg thì nay đã giảm xuống còn 6.000 đến 8.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn. Giá cả của hồng ở đây không còn duy trì được như những năm trước nên bà con ở đây cũng hạn chế chăm sóc cây hồng, ra được trái nào thì thu trái đó thôi…”, ông Quang cho biết.

Trái hồng Đà Lạt ế ẩm vì bị hồng Trung Quốc lấn át
Trái hồng Đà Lạt ế ẩm vì bị hồng Trung Quốc lấn át

Trong khi đó, ông Trần Xuân Thưởng cùng ở thị trấn D’Ran (Đơn Dương) cho rằng: “Hồng ăn trái xuất xứ Trung Quốc lấn át thị trường với giá rẻ hơn đã trực tiếp gây thiệt hại cho bà con nông dân. Vì vậy mà sản lượng hồng các năm giảm hẳn, nguyên nhân là do người dân không còn mặn mà với cây hồng nữa. Nếu tình hình này tái diễn, chắc chắn trái hồng sẽ biến mất khỏi vùng đất này”.

Theo bà Võ Thị Tuyết - chủ vựa thu mua hồng ở thị trấn D’Ran (Đơn Dương): “Thị trường tiêu thụ đang bị ảnh hưởng vì người ta cho rằng hồng ở đây ủ bằng thuốc độc hại nên người ta ngại ăn. Thực tế thì hồng sau khi thu về thì chúng tôi cho vào máy lau, đánh bóng quả và ủ bằng hơi tự nhiên. Trái này không xuất khẩu được, cho nên giá bán không cao. Giá đã rẻ lại bị trái hồng của Trung Quốc lấn át, khiến cho đặc sản này của địa phương càng thê thảm…”.

Nông dân điêu đứng vì hồng Trung Quốc đội lốt Đà Lạt
Nông dân điêu đứng vì hồng Trung Quốc đội lốt Đà Lạt

Được biết, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đang triển khai Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận hồng ăn trái Đà Lạt - Lâm Đồng”, nhằm bảo đảm việc kiểm soát chất lượng, tăng cường xúc tiến thương mại và nâng cao giá trị kinh tế cho loại trái cây đặc sản này của Việt Nam.

Trước sự lấn át của trái hồng nhập từ Trung Quốc, người trồng hồng ở Lâm Đồng đang trông chờ dự án này sớm có kết quả, để bảo vệ thương hiệu cho trái hồng đặc sản của Đà Lạt - Lâm Đồng.

Ngọc Hà