Hơn 45% đăng ký nhưng không hoạt động: "Doanh nghiệp ma"?

(Dân trí) - Theo báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) gửi Thủ tướng, tính đến năm 2018 Việt Nam có 1,3 triệu doanh nghiệp đã đăng ký thành lập. Tuy nhiên, chỉ có hơn 715.000 doanh nghiệp hoạt động, chiếm tỷ lệ 55%, số còn lại 45% doanh nghiệp thành lập nhưng không hoạt động, hay được gọi là "doanh nghiệp ma".

Như vậy, sự chênh lệch khá lớn giữa nhóm doanh nghiệp thành lập, đăng ký thành lập với doanh nghiệp chính thức, khiến lo ngại khu vực doanh nghiệp thành lập nhưng không hoạt động, khai lập doanh nghiệp nhưng thực chất là các doanh nghiệp trục lợi chính sách, "doanh nghiệp ma", chạy hóa đơn, hoàn thuế.

Hơn 45% đăng ký nhưng không hoạt động: Doanh nghiệp ma? - 1

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, hơn 45% số doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng không hoạt động

Như vậy, có thể nói hơn 585.000 doanh nghiệp có thành lập nhưng không hoạt động, đây là con số khá lớn, tương ứng tỷ lệ 45% số doanh nghiệp đăng ký.

Theo Bộ KH&ĐT, năm 2018, cả nước có hơn 13.200 doanh nghiệp thành lập mới. Đây là 1 trong 4 năm có số doanh nghiệp lập mới tăng rất cao. Các doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, bất động sản, dịch vụ du lịch....

Tuy nhiên, một điều đáng lo lắng là tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, chết lâm sàng đang ngày một gia tăng. Theo Bộ KH&ĐT, năm 2018 cả nước có hơn 61.700 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, trong đó chính thức dừng hoạt động là hơn 16.300 doanh nghiệp, tăng trên 34% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo Bộ KH&ĐT, số doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh năm 2018 đạt hơn 45.400 doanh nghiệp, tăng gần 17% so với năm 2017. Chiếm trên 70% số doanh nghiệp phá sản, chết lâm sàng tại Việt Nam.

Về phân loại doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT cho biết, số doanh nghiệp quy mô vừa tại Việt Nam tăng lên từ 2,52% (năm 2016) lên 3,67% (năm 2017). Số doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng gia tăng từ hơn 25,6% số doanh nghiệp tăng lên con số hơn 30,8% (năm 2017). Trong khi đó, số doanh nghiệp siêu nhỏ có xu hướng giảm đi từ 71,8% xuống còn 65,5%.

Về khu vực DN Nhà nước, Bộ KH&ĐT khẳng định, sau khi sắp xếp, cổ phần hóa, so sánh giữa khối doanh nghiệp cổ phần hóa do Nhà nước năm giữ 50% vốn và khối doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn, các chỉ tiêu của doanh nghiệp cổ phần hóa đều cao hơn.

Cụ thể, hiệu quả sử dụng vốn/doanh thu; tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu và tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần đều cao hơn so với khối doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Nguyễn Tuyền