Hơn 2.000 chuyên gia sẽ bàn về AI và Chiến tranh thương mại thế giới tại Hà Nội
(Dân trí) - Trong hai ngày 16 - 17/1/2019, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 sẽ được Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu, chuyên gia, học giả trong và ngoài nước. Diễn đàn năm nay đặt trọng tâm bàn về các thách thức của kinh tế Việt Nam như xu hướng bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại và Cách mạng 4.0 đối với Việt Nam.
Ngoài sự tham dự, chỉ đạo Diễn đàn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, sự kiện năm nay có sự tham dự của Cựu Ngoại trưởng Mỹ - John Kerry, cùng sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu đến từ các định chế tài chính quốc tế như Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)...
Đây là lần thứ 3, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam được tổ chức sau năm 2016, 2017. Năm nay, số lượng đại biểu, chuyên gia, học giả trong và ngoài nước sẽ có sự tham dự đông nhất từ trước đến nay với hơn 2.000 người, chia làm 3 phiên.
Theo ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Mục tiêu của Diễn đàn bàn về vấn đề về xu hướng bảo hộ mậu dịch của các nền kinh tế lớn của thế giới, những rủi ro của các xung đột thương mại quốc tế có tác động sâu sắc đến nền kinh tế mở của Việt Nam.
Đặc biệt, Diễn đàn bàn về các cơ hội thách thức của các Hiệp định FTAs thế hệ mới mà Việt Nam tham gia như CPTPP, EVFTA, cùng với đó là bàn về các xu hướng thay đổi lớn của kinh tế số, trí tuệ nhân tạo (AI) hay kinh tế sẻ chia... được xem là cơ hội và những đặt ra nhiều thách thức đối với những nền kinh tế như Việt Nam.
Diễn đàn Kinh tế năm 2019 dự kiến sẽ diễn ra 3 phiên, trong đó phiên quan trọng nhất là đối thoại chính sách có sự tham dự, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đặc biệt có sự tham dự, phát biểu của ông John Kerry, Cựu Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie...
Phiên hai bàn về vấn đề chuyên môn huy động vốn cho phát triển hạ tầng của Việt Nam, với sự tham dự của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, cùng các đối tác phát triển của Việt Nam cùng các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc...
Phiên thứ 3 là hội thảo chuyên đề về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững có sự tham dự của các tập đoàn công nghệ lớn như ABB, Siemens, SolarBK, TokyoGas, Intel...
Và phiên cuối cùng là hội thảo chuyên đề về phát triển kinh tế số của Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng 4.0 đang là xu hướng thế giới, khu vực.
Dự kiến, mục tiêu của Diễn đàn năm nay chỉ ra những vấn đề thực chất của nền kinh tế Việt Nam như thách thức về cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế sang hướng tăng giá trị gia tăng tại Việt Nam; vấn đề nâng cao tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa Việt để khai thác các hiệp định thương mại thế giới....
Với sự có mặt của các chuyên gia từ các định chế tài chính đa phương như WB, IMF, ADB, cùng các đối tác phát triển, các chuyên gia quốc tế tại Việt Nam, các phiên hội thảo sẽ đưa ra giải pháp giúp Việt Nam có thêm kế sách ứng phó trước các thách thức, khó khăn của xu hướng thế giới mang lại.
Nguyễn Tuyền