Hơn 10 bộ ngành sẽ cùng tham gia quản lý kinh doanh đa cấp

(Dân trí) - Nếu như quy định cũ Bộ Công Thương gần như “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến với đa cấp thì theo Nghị định 40 có hiệu lực thi hành từ tháng 5/2018, việc giám sát loại hình kinh doanh này được giao cho ít nhất 9 bộ ngành, chưa kể các địa phương…

Với việc điều chỉnh, sửa đổi các khoản mục, điều kiện kinh doanh và tăng cường giám sát như vậy, giới chuyên gia hy vọng, trật tự mới trên thị trường đa cấp sẽ được thiết lập. Và người tham gia mạng lưới đa cấp sẽ được bảo vệ hơn bởi các bộ ngành, đơn vị chức năng và chính quyền các tỉnh thành phố.


Hình ảnh thường thấy trong các đại hội bán hàng đa cấp trước đây (Ảnh minh họa)

Hình ảnh thường thấy trong các đại hội bán hàng đa cấp trước đây (Ảnh minh họa)

Hàng loạt qui định được siết chặt, cụ thể hơn

Nghị định thay thế Nghị định 42 về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành từ tháng 5/2018 quy định trách nhiệm cho từng các bộ ngành trong việc giám sát và quản lý.

Theo đó, Bộ Công Thương được giao 9 nhiệm vụ, gồm: Cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký và xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp; Đồng thời thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp và xử lý theo thẩm quyền; cũng như chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp…

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng có nhiệm vụ tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ, công chức, người tham gia bán hàng đa cấp cũng như xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định.

Cũng theo Nghị định 40, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu và Tổng cục Quản lý thị trường có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện các nội dung quản lý quy định kể trên.

So với Nghị định 42 cũ, Nghị định sửa đổi quy định chi tiết chức năng nhiệm vụ cũng như vai trò giám sát của Bộ Công Thương, đồng thời, giao trách nhiệm giám sát các bộ ngành khác như Công An, Y tế, Tài chính, Khoa học Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư , Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… và ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương… Các bộ ngành phối hợp với Bộ Công Thương thanh tra giám sát và xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp…

Một điểm đáng chú ý khác của Nghị định 40 là không giới hạn phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động này trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam; đồng thời bổ sung thêm một số hành vi bị cấm đối với loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Trong đó, cấm các doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi như yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng hay từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng…


Việc quản lý bán hàng đa cấp lỏng lẻo trước đây gây rất nhiều hệ lụy to lớn cho xã hội, người dân (Ảnh minh họa)

Việc quản lý bán hàng đa cấp lỏng lẻo trước đây gây rất nhiều hệ lụy to lớn cho xã hội, người dân (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, Nghị định cũng cấm doanh nghiệp cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên…

Cũng theo Nghị định 40, doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và chỉ được phép tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp sau khi có xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bằng văn bản của Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó.

Đối với trường hợp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm ủy quyền cho một cá nhân cư trú tại địa phương làm người đại diện tại địa phương để thay mặt doanh nghiệp làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đó.

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm lưu trữ, xuất trình hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Nghị định mới có ngăn chặn được tình trạng lừa đảo kinh doanh đa cấp?

Hoạt động bán hàng đa cấp trong thời gian qua có nhiều hoạt động biến tướng và tinh vi hơn,gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến người dân tham gia mạng lưới. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã tập trung tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp ​đã mang lại nhiều kết quả tích cực và đến nay đã cơ bản kiểm soát tốt hoạt động bán hàng đa cấp. Chỉ chưa đầy một tuần qua, có tới 5 doanh nghiệp đa cấp bị cơ quan quản lý rút giấy phép do chưa đủ điều kiện, giấy phép hết hiệu lực, làm ăn thua kém, hoặc tự xin phá sản.

Có mặt tại Việt Nam hơn 14 năm trước, cũng như các ngành kinh tế khác, nhà nước nhìn nhận bán hàng đa cấp như một ngành kinh doanh tiềm năng với tốc độ phát triển nhanh cả về quy mô công ty lẫn số lượng người tham gia. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, hoạt động bán hàng đa cấp có nhiều biến tướng, ảnh hưởng đến người dân tham gia mạng lưới, với nhiều vi phạm.

Chỉ tính riêng trong năm 2017, Bộ Công Thương đã tiến hành rút giấy phép kinh doanh của ít nhất 50 doanh nghiệp. Trong đó, sự vụ ồn ã và tốn giấy mực của báo chí nhất là việc rút giấy phép và xử phạt hàng tỷ đồng của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy… Hiện tại, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã giảm khoảng 2/3 so với năm 2015. Số lượng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp cũng giảm khoảng một nửa so với năm 2015.

H.Anh