Chính phủ yêu cầu Bộ Công an vào cuộc xử nghiêm vi phạm bán hàng đa cấp

(Dân trí) - Theo phân công của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương được giao phối hợp với Bộ Công an có giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong bán hàng đa cấp.

Vi phạm tại các công ty kinh doanh, bán hàng đa cấp là một trong những nội dung được Chính phủ lưu ý giải quyết
Vi phạm tại các công ty kinh doanh, bán hàng đa cấp là một trong những nội dung được Chính phủ lưu ý giải quyết

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017 vừa mới được ban hành, Chính phủ giao Bộ Công Thương khẩn trương tập trung xử lý cơ bản 12 dự án thua lỗ của ngành trong năm 2017 - 2018.

Bộ Công Thương đồng thời tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhất là các dự án điện để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt trong những tháng cao điểm mùa hè.

Ngoài ra, bộ này còn được giao phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu; rà soát, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích hoặc trong nước sản xuất được, có tiêu chí kiểm soát về kỹ thuật và áp dụng các biện pháp phòng vệ phù hợp với cam kết quốc tế, nhất là đối với các mặt hàng nông sản để bảo vệ sản xuất trong nước và giảm nhập siêu.

Đáng chú ý, theo phân công của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công an có giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong bán hàng đa cấp.

Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Chú trọng đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; rà soát, có biện pháp giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và cho vay mới đối với các hộ chăn nuôi.

Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cần rà soát, đánh giá quy hoạch, kế hoạch phát triển, tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý.

Theo đó, phải có giải pháp khắc phục bất cập, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước, nhất là công tác quản lý thị trường, giá cả, kênh phân phối, không để tình trạng dư thừa nguồn cung, ép giá, làm giá, gây thiệt hại cho người sản xuất.

Nghị quyết nêu rõ: “Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu không hoàn thành chỉ tiêu thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách”.

Bích Diệp