(Dân trí) - Để nông dân không phải ám ảnh điệp khúc "được mùa mất giá", lần đầu tiên tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị quy mô lớn về sản xuất nông nghiệp với khát khao tất cả các thành phần tham gia đều thắng lợi.
Tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có sự tham gia của người nông dân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, kinh doanh, thu mua nông sản, các chuyên gia về nông nghiệp…
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay, đây được xem là hội nghị "Diên Hồng" triển khai tổng thể các giải pháp về sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, với khát khao tất cả các thành phần tham gia từ người nông dân, hợp tác xã đến các doanh nghiệp đều thắng lợi. Chủ tịch tỉnh Bình Định đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến các tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP và GlobalGAP.
Theo UBND tỉnh Bình Định, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND đã tập trung xây dựng và triển khai nhiều đề án, kế hoạch nhằm tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Nhờ vậy, Bình Định từng bước phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với nhiều sản phẩm chủ lực.
Bên cạnh đó, các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ cũng đang dần được mở rộng. Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Bình Định gồm: lúa, ớt, lạc, dừa, bưởi, xoài..., trong đó một số mặt hàng có tiềm năng phát triển thành sản phẩm hàng hóa tập trung, hướng tới xuất khẩu như: ớt, bưởi, dừa, xoài. Đặc biệt, ớt và dừa đang nhận được sự quan tâm từ các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Về chăn nuôi, Bình Định là "thủ phủ" nuôi heo lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên, với tổng đàn lên đến trên 686.000 con; đàn bò có xu hướng tăng mạnh với hơn 308.000 con; chăn nuôi gà luôn dẫn đầu cả vùng với số lượng khoảng 8,5 triệu con. Toàn tỉnh có 382 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, góp phần nâng cao giá trị cho nông sản địa phương.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết, dù đã có nhiều bước phát triển đáng kể, sản xuất và tiêu thụ nông sản tại Bình Định còn nhiều thách thức. Tình trạng "được mùa mất giá" vẫn xảy ra, trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp ở mức cao.
Đặc biệt, việc chưa hình thành được các chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng, là một trong những nguyên nhân chính khiến sản xuất nông nghiệp của địa phương thiếu tính bền vững.
"Mấu chốt để giải quyết tình trạng này là cần có sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp và hợp tác xã. Các đơn vị này đóng vai trò quan trọng trong việc làm đầu mối sản xuất theo đơn đặt hàng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, thu gom, sơ chế, chế biến nông sản, đàm phán giá cả, ký kết hợp đồng, mở rộng thị trường tiêu thụ", ông Hoàng nói.
Theo ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh khá đa dạng nhưng hầu hết sản phẩm có năng suất, sản lượng thấp.
Sản phẩm trồng trọt có lúa gạo, lúa giống, ớt, lạc, bưởi, xoài, dưa hấu...; chăn nuôi có trâu bò, heo, gà, vịt trứng...; thủy sản có tôm, cá, mực, rong biển…; sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến đóng gói có bún, bánh, kẹo, các sản phẩm chế biến từ thủy hải sản, rượu…
"Qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, phiên chợ nông sản cho thấy khả năng cung cấp hàng hóa hạn chế, nhiều chủ thể chỉ đủ hàng buôn bán trong vài ngày. Có các sản phẩm khi khách hàng yêu cầu số lượng lớn, cung cấp đều đặn thì không thể đáp ứng", ông Kha bày tỏ.
Theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, toàn tỉnh có hơn 284ha cây trồng đạt chuẩn VietGAP; 121ha nông nghiệp hữu cơ; có 3 mã số vùng trồng và một cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tỉnh có 5 vùng trồng dừa tươi xuất khẩu với diện tích gần 63ha và 21 mã số vùng trồng nội địa cho gần 180ha. Hiện nay, Sở cũng có chuỗi liên kết sản xuất bưởi của Hợp tác xã Thanh niên Hoài Ân, diện tích gần 94ha…
Bình Định có thế mạnh chăn nuôi lợn, bò, gà, trong đó tỉnh xác định vùng chăn nuôi an toàn tại huyện Hoài Ân, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ lợn của Hoài Ân với Đà Nẵng…
Về thủy sản, toàn tỉnh có 110ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, sản lượng 3.800 tấn, chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng…
Tuy nhiên, bà Trân cũng thừa nhận sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tuy đa dạng nhưng năng suất, sản lượng thấp, nhiều sản phẩm có chất lượng chưa đảm bảo; liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế…
"Thời gian tới, chúng tôi tăng cường công tác đào tạo, tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Đặc biệt, hỗ trợ các địa phương xây dựng các vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản, các vùng chăn nuôi tập trung đạt tiêu chuẩn theo đặt hàng của doanh nghiệp…", bà Trân nói.
Ông Trần Văn Thành, nông dân xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho hay, ông là một trong những hộ dân ở Cát Tài liên kết trồng 5ha ớt theo tiêu chuẩn VietGAP, bước đầu thấy hiệu quả hơn so với người dân trồng tự phát.
"Trong quá trình làm bà con nhận thấy việc ký kết với công ty tạo thuận lợi hơn, dễ bán, giá ớt ổn định. Tuy nhiên, quá trình thu mua còn xảy ra bất cập, lý do trồng không đồng loạt nên nhiều hộ ớt chín nhưng không được thu mua, ảnh hưởng đến chất lượng. Thời gian tới, chúng tôi đề nghị công ty phải quy định 2-3 hoặc 3-4 ngày thu mua một lần", ông Thành nói.
Theo bà Trần Thị Thủy, Giám đốc Công ty chế biến nông sản, lương thực thực phẩm xuất khẩu Trần Gia, công ty đã đầu tư dự án chuyên chế biến ớt muối tại cụm công nghiệp Đại Thạnh (huyện Phù Mỹ). Mục tiêu đến năm 2027 sẽ tiêu thụ 6.000-10.000 tấn ớt/năm, tương đương với 300ha vùng trồng.
"Chất lượng cây ớt Bình Định rất tốt, nhưng vùng nguyên liệu còn nhỏ lẻ. Để sản xuất bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, cần mở rộng vùng nguyên liệu với chất lượng cao và ổn định. Tuy nhiên, để làm việc này thì nông dân, hợp tác xã cần bắt tay với doanh nghiệp", bà Thủy nhấn mạnh.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhìn nhận, tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp, trong đó một số sản phẩm có tiềm năng phát triển thành hàng hóa với vùng trồng tập trung lớn, hướng tới xuất khẩu như: ớt, bưởi, dừa, xoài…; chăn nuôi có các sản phẩm chủ lực là heo, bò, gà…
Ngoài ra, các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh rất đa dạng, nổi tiếng nhưng còn phát triển manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều sản phẩm chưa đạt chuẩn theo quy định, tư duy và cách làm trong sản xuất nông nghiệp chưa bắt kịp các vùng khác trong cả nước.
"Cần thay đổi tư duy, nhận thức, cách làm để người nông dân có thu nhập ổn định và từng bước làm giàu bền vững. Các ngành dịch vụ hỗ trợ có thể phát triển bền vững, đạt doanh thu cao, ổn định, hiệu quả", ông Phạm Anh Tuấn nói.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, Bình Định còn thiếu các nhà máy chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm, tận dụng tối đa những giá trị nông nghiệp mang lại, điều này khiến người dân khó làm giàu từ mảnh đất quê hương. Để khắc phục các vấn đề nêu trên cần xây dựng, triển khai các giải pháp xúc tiến đầu tư, ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định mong muốn các bên tham gia vào quá trình nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh bao gồm: nông dân, thương nhân, hợp tác xã, nhà máy chế biến, siêu thị, nhà khoa học, ngân hàng và quản lý của chính quyền địa phương… tất cả các bên tham gia cùng thắng, cùng phát triển.
Về mặt sản xuất, Chủ tịch Bình Định nhấn mạnh, nông dân và doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
Đồng thời, ông Tuấn lưu ý tầm quan trọng của việc kiểm soát chặt chẽ khâu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu và các chất hóa học trong sản xuất, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Các cơ quan chức năng được yêu cầu phải giám sát, hướng dẫn nông dân tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, kiên quyết loại bỏ các sản phẩm gây hại.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đề xuất 4 mô hình chính để cải thiện tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, gồm: liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm chủ lực và xây dựng chuỗi cung ứng ổn định; bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp chế biến; bán hàng qua thương nhân; bán hàng qua thương mại điện tử.