Hội nghị CG: Lo ngại về lạm phát cao ở Việt Nam
(Dân trí) - Ghi nhận những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được, nhưng các nhà tài trợ tại Hội nghị CG năm nay cũng bày tỏ sự lo ngại về lạm phát cao, sự mất giá của tiền đồng…
Giá hàng hóa tại Việt Nam đang tăng cao (ảnh minh họa).
Sáng nay 7/12, Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) đã khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị năm nay tập trung thảo luận các chủ đề chính như: tình hình kinh tế vĩ mô năm 2010 và định hướng cho năm 2011; vấn đề quản trị công, minh bạch và hiệu quả hoạt động của kinh tế Nhà nước; quản trị và phòng chống tham nhũng; năng lực cạnh tranh của Việt Nam; biến đổi khí hậu; hiệu quả viện trợ và quan hệ đối tác phát triển…
Lo ngại lạm phát của Việt Nam
Đánh giá về những thành tựu mà Việt Nam đạt được, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Tanizaki Yasuaki cho hay: “Tôi hoan nghênh động thái của Chính phủ cũng như sự hỗ trợ của các nhà tài trợ để có thể đạt được mức độ tăng trưởng hơn 6,5%...
Tuy nhiên, chúng tôi thấy ngày càng lo ngại về lạm phát cao ở Việt Nam như sự mất giá của đồng tiền vì các yếu tố này sẽ tạo ra những khó khăn. Do đó, Chúng tôi mong Chính phủ Việt Nam thông qua những biện pháp có hiệu quả và mạnh mẽ khôi phục lòng tin của các nhà tài trợ vào tiền đồng Việt Nam, ổn định thị trường trong nước và sớm ổn định về mặt tiền tệ”.
Trong bản báo cáo mà Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra sáng nay cũng nhận định tỷ lệ lạm phát của Việt Nam đột ngột dâng cao hơn dự kiến trong tháng 10 và 11. Cụ thể, đến cuối tháng 11, tỷ lệ lạm phát 11 tháng đứng ở mức 9,6%.
Lạm phát giá lương thực hàng năm lên đến 14,8%, cao nhất kể từ tháng 4/2009. Trước thực tế lạm phát tại Việt Nam thường gia tăng trong giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau, WB đưa ra dự báo lạm phát cho cả năm 2010 sẽ ở mức 10,5%. Mức này cao hơn nhiều so với mục tiêu 8% mà Quốc hội đề ra trước đó.
"Ở một mức độ nào đó, điều này có thể cho thấy mục tiêu chính sách của Việt Nam có sự thiên vị cố hữu, coi trọng mục tiêu tăng trưởng cao hơn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đến khi phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao hơn dự kiến, Chính phủ lại phải viện đến các cơ chế hành chính như kiểm soát giá cả, lập quỹ bình ổn giá", đại diện WB nói.
Theo đó, WB khuyên Việt Nam cần có những chính sách thân thiện với thị trường hơn để đạt mục tiêu bình ổn giá, trong đó bao gồm việc sử dụng nhiều hơn chính sách cạnh tranh và chính sách tiền tệ.
Những kiến nghị phát triển bền vững
Tại buổi khai mạc sáng nay, đại diện các nhà tài trợ đã có nhiều gợi ý giúp Việt Nam ổn định nền kinh tế, phát triển một cách bền vững. Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng việc Việt Nam tích cực chuẩn bị cho chiến lược 10 năm 2011 - 2020 là bước quan trọng để có thể tiếp tục theo đuổi mục tiêu mô hình kinh tế hiện đại, tránh sự trì trệ của một nước thu nhập trung bình. Để duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh và bền vững, Việt Nam cần có tư duy tiếp cận mới thay vì tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên như hiện nay.
Đại sứ Mỹ W. Michlak thì cho rằng: “Chúng tôi hoan nghênh thành công của Việt Nam đạt được rất nhiều mục tiêu phát triển và tăng trưởng. Chúng tôi hài lòng nhận thấy các ưu tiên của Chính phủ về các bước đột phá phát triển kinh tế xã hội, bao gồm cơ sở hạ tầng, các nguồn lực con người, cũng như các cơ chế hướng tới kinh tế thị trường.
Để duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, Việt Nam cần phải tăng cường tập trung vào hiệu quả về mặt kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước cần phải hiệu quả hơn trong việc tiếp nhận các kênh đầu tư cũng như trong việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.
Do vậy cải cách khu vực Nhà nước là yếu tố quan trọng để tăng cường năng xuất và hiệu quả đầu tư. Việt Nam cũng cần phải chứng tỏ được với các nhà đầu tư quốc tế rằng mình có thể duy trì được môi trường cạnh tranh bình đẳng”.
Còn theo Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Suk Hwan, Việt Nam đã vượt qua được những thách thức trong thời gian qua để trở thành một nước có thu nhập trung bình. Điều này thể hiện sự lãnh đạo, năng lực của Chính phủ Việt Nam, của người dân và của tất cả các nhà tài trợ, cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.
“Trong thời gian tới, Việt Nam cần phải thể hiện nỗ lực cũng như là quyết tâm lớn hơn trong một môi trường phát triển mới. Việt Nam sẽ phải chuẩn bị không phải chỉ là một nước tiếp nhận viện trợ thụ động nữa mà cần phải tích cực hơn, đặc biệt là trong chương trình phát triển kinh tế xã hội 2011- 2015 và khuôn khổ về sử dụng ODA trong giai đoạn này’, vị đại sứ này nhấn mạnh.
Nguyễn Hiền