1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hoàng Anh Gia Lai thoát lỗ, cơ hội nào để cổ phiếu không bị hủy niêm yết?

Mai Chi

(Dân trí) - Với việc báo lãi sau thuế trong năm 2021, Hoàng Anh Gia Lai đã kiến nghị UBCKNN, VNX và HoSE xem xét đến tình hình hiện tại của tập đoàn để duy trì việc niêm yết cổ phiếu HAG.

"Thoát hiểm" trong gang tấc

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021.

Trong kỳ, doanh thu thuần của HAGL giảm 26% so với cùng kỳ, đạt 743,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ giá vốn tiết giảm từ 1.160 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước xuống còn 511,5 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp quý IV/2021 của HAGL vẫn đạt 232,3 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2020, công ty lỗ gộp 154 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng giảm 34,5% còn 42,3 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng hơn 52% so với cùng kỳ lên 404,5 tỷ đồng. Mặc dù vậy, doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức vẫn đạt lãi thuần 167,7 tỷ đồng trong quý IV/2021 so với mức lỗ thuần 289,3 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2020.

Do có khoản lỗ khác gần 99,8 tỷ đồng (tăng lỗ nhẹ so với quý IV/2020) nên tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của HAGL giảm còn 67,9 tỷ đồng nhưng vẫn cải thiện rất mạnh so với mức lỗ trước thuế 386,6 tỷ đồng của cùng kỳ.

Sau khi tính thêm thu nhập thuế TNDN hoãn lại là 28,6 tỷ đồng, HAGL ghi nhận mức lãi sau thuế 96,5 tỷ đồng trong quý IV/2021. Cùng kỳ năm 2020, HAGL lỗ 418,5 tỷ đồng.

Hoàng Anh Gia Lai thoát lỗ, cơ hội nào để cổ phiếu không bị hủy niêm yết? - 1

HAGL có lãi trở lại và giảm đáng kể dư nợ trong năm 2021 (Ảnh: HAGL).

Lũy kế cả năm 2021, HAGL đạt 2.108 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 33,6% so với quý IV/2020) và lỗ trước thuế 126,5 tỷ đồng, giảm lỗ đáng kể so với mức 2.351,5 tỷ đồng của năm 2002. Tuy nhiên, tập đoàn vẫn có lãi sau thuế 126,6 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 2.383,3 tỷ đồng); trong đó, lãi sau thuế của công ty mẹ đạt 184,2 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ ròng 1.255,7 tỷ đồng).

Tại ngày 31/12/2021, HAGL còn 2.489,4 tỷ đồng khoản vay ngắn hạn (giảm gần 6.300 tỷ đồng so với đầu năm), trong đó, vay ngắn hạn ngân hàng 502 tỷ đồng (bằng 1/3 so với đầu năm) và 694,2 tỷ đồng vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả (giảm hơn 500 tỷ đồng so với đầu năm).

Vay dài hạn của HAGL cũng giảm mạnh từ 9.331 tỷ đồng của thời điểm đầu năm 2021 xuống còn 5.797 tỷ đồng tại ngày 31/12/2021.

Trong năm 2022, HAGL dự kiến sẽ nâng doanh thu thuần lên 4.820 tỷ đồng và đạt 1.120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tập đoàn của bầu Đức định hướng sẽ tăng cường các biện pháp cơ cấu tái cơ cấu tài chính, phấn đấu giảm số dư nợ phải trả ngân hàng xuống còn 5.000 tỷ đồng.

HAGL tuyên bố đẩy mạnh triển khai chiến lược kinh doanh tập trung vào 2 ngành hàng chủ yếu là chuối và chăn nuôi heo.

Theo HAGL, tập đoàn có lợi thế cạnh tranh đối với 2 ngành này như quỹ đất rộng lớn ở xa khu dân cư, khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, khoảng cách địa lý đến cảng biển và thị trường tiêu thụ gần hơn so với các công ty cạnh tranh.

Sản phẩm chuối và thịt heo là 2 loại thực phẩm cơ bản và thiết yếu đối với cuộc sống, nhu cầu cao, thị trường rộng lớn điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ngoài ra, HAGL còn cho biết, chuối loại thải từ ngành trồng trọt (khoảng 200.000 tấn/năm) là nguồn nguyên liệu giàu dinh dưỡng làm thức ăn chăn nuôi heo, giúp hạ giá thành sản phẩm, tăng chất lượng thịt heo, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Xin được ở lại sàn HoSE

Liên quan đến điều chỉnh hồi tố BCTC, HAGL đã có văn bản giải trình gửi UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE).

Trong văn bản này, HAGL cho hay, ngày 25/11/2021, tập đoàn này đã công bố văn bản giải trình về việc điều chỉnh hồi tố số liệu BCTC của công ty, theo đó, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của công ty trong năm 2017, 2018 và 2019 bị lỗ.

"Điều này tạo nên sự quan ngại của cổ đông rằng cổ phiếu HAG có khả năng bị xem xét về việc có tiếp tục thỏa mãn điều kiện niêm yết trên HoSE hay không" - ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc HAGL, nêu trong văn bản.

Vì vậy, các cổ đông tham dự họp đại hội cổ đông thường niên ngày 26/11/2021 đã bàn bạc rất kỹ vấn đề này và thống nhất ghi vào Biên bản họp thể hiện nguyện vọng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì niêm yết cổ phiếu HAG.

Trên cơ sở đó, HAGL đã xin kiến nghị UBCKNN, VNX và HoSE xem xét đến tình hình hiện tại của HAGL để duy trì việc niêm yết cổ phiếu bởi vì hầu hết các cổ đông đang sở hữu cổ phiếu HAG hiện nay đều mua cổ phiếu dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai chứ không dựa vào các thông tin tài chính trong quá khứ cách nay 3-5 năm.

Ông Võ Trường Sơn khẳng định, đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc của HAGL có nhiều cải thiện so với trước đây.

Cụ thể, HAGL đã thanh toán được phần lớn các khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng, đồng thời cũng đã xử lý được phần lớn các khoản đầu tư không hiệu quả như thanh lý bớt các công ty con thuộc ngành nông nghiệp, thủy điện và khoáng sản, xử lý các khoản phải thu tồn đọng nhiều năm như công nợ phải thu Công ty Đầu tư Bất động sản An Phú. Các chỉ tiêu tài chính cũng được cải thiện. Hệ số thanh toán hiện hành đã lớn hơn 1.

Công ty cũng có kế hoạch thanh lý một số tài sản không tạo ra lợi nhuận, tập trung thu hồi nợ từ các bên liên quan và sử dụng dòng tiền thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh để trả nợ, cải thiện tình hình tài chính.

"HAGL kiến nghị UBCKNN, VNX và HoSE cho phép HAGL áp dụng điều kiện thử thách và nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy, sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường" - Tổng Giám đốc HAGL nêu.