Tin xấu về ông Trần Bắc Hà đưa cổ phiếu BID về đâu?
(Dân trí) - Diễn biến cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng như của chỉ số VN-Index là mối quan tâm lớn của nhà đầu tư trong phiên đầu tuần 4/6, sau thông tin ông Trần Bắc Hà bị đề nghị kỷ luật được đưa ra vào thứ 7 tuần trước.
Vừa mới bắt đầu đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO), cổ phiếu BID đã giảm sàn, đồng thời, hàng loạt mã cổ phiếu ngân hàng như: ACB, CTG, MBB, SHB, VCB, STB, VIB cũng “đỏ giá”.
Tuy nhiên, lực bắt đáy nhập cuộc mạnh đã giúp chỉ số chung VN-Index tăng nhẹ 0,5 điểm sau đợt ATO. Có khoảng gần 90 mã tăng giá trong khi chỉ có hơn 50 mã giảm trên sàn HSX.
Việc nhà đầu tư đồng loạt nhập lệnh ATO để mua BID đã giúp mã này thoát sàn. Mức giảm sau đợt ATO đã dần được thu gọn lại còn khoảng 1.000 đồng/cổ phiếu.
Biên độ giảm của BID cũng như các mã ngân hàng đang thu hẹp ngày càng nhanh, thậm chí nhiều cổ phiếu đã tăng giá, riêng BID tiến gần về mức tham chiếu trong 30 phút đầu phiên.
Cuối tuần trước, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã thông báo về việc kiểm tra tại BIDV và kết luận cá nhân ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) đã “vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng”.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đánh giá những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là “rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”.
BID là một mã lớn và trong quá khứ, không ít lần những thông tin bất lợi về cá nhân ông Trần Bắc Hà đã gây chấn động thị trường chứng khoán.
Còn nhớ, vào ngày 9/8/2017, sau tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội về việc ông Trần Bắc Hà bị bắt, giá cổ phiếu BID đã giảm kịch sàn và trắng bên mua. Phiên giao dịch đó, VN-Index giảm gần 18 điểm là phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2016.
Tin đồn nói trên đã “thổi bay” 45.849 tỷ đồng, tương ứng hơn 2 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán phiên 9/8/2017, riêng vốn hóa BIDV trong phiên mất 7.521 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 2/2013, tin đồn tương tự liên quan đến ông Trần Bắc Hà cũng đã khiến thị trường mất khoảng 1,5 tỷ USD vốn hoá.
Tuy nhiên, nếu như thời gian trước đây, nhà đầu tư rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tin đồn. Hiện tại, theo đánh giá của giới phân tích, quyết định của nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn. Hơn nữa, thị trường chứng khoán sau đợt giảm sâu vừa qua đang xác lập lại chu kỳ tăng giá mới.
Phát biểu trên báo chí, ông Dương Văn Chung – Giám đốc khu vực miền Bắc Công ty chứng khoán MBS cho rằng, thị trường đã tạo đáy xong. Đồng thời nhấn mạnh dự báo: “Sau khi xuống dưới 950, Vn-Index sẽ tạo đáy của cả 2018 và vững vàng đi lên với mức hồi phục ít nhất là 1.200 vào cuối năm nay”.
Thậm chí, vị này còn cho rằng, VN-Index không chỉ vượt đỉnh 1.200 đã tạo vào đầu tháng 4 và thậm chí có thể vượt mốc 1.300 điểm.
Về phiên giao dịch hôm nay, Công ty chứng khoán FPTS cho rằng, mặt bằng cổ phiếu hầu như đã chiết khấu về vùng giá hấp dẫn.
FPTS khuyến nghị, nhà đầu tư hiện tại nên tập trung vào các dạng cổ phiếu có điểm nhấn tích cực năm 2018 về hoạt động kinh doanh, gia tăng tỷ trọng cổ phiếu này ở các đà giảm mạnh của thị trường. Nhà đầu tư ngắn hạn nếu chấp nhận rủi ro có thể mở vị ngắn hạn ở các cổ phiếu đang tạo mặt bằng giá mới.
Tạm ngừng phiên giao dịch sáng nay, VN-Index tăng 10,81 điểm tương ứng 1,09% lên 1.003,68 điểm. Nhìn chung, chỉ số vẫn đang có sự giằng co mạnh quanh ngưỡng 1.000 điểm. Trên HSX có 162 mã tăng nhưng vẫn có đến 107 mã giảm giá.
Cổ phiếu ngân hàng sau thời điểm mất giá đầu phiên đã hồi phục mạnh. VPB tăng 2.600 đồng, VCB tăng 1.600 đồng, ACB, STB, EIB, MBB, NVB, SHB đều tăng giá tốt. BID trở nên lạc lõng khi để mất 600 đồng còn 29.100 đồng/cổ phiếu.
Bích Diệp